Ngày 7/7, Agribank đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Tham dự Hội nghị có ông Tô Huy Vũ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank; ông Phạm Toàn Vượng – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc; cùng các Phó Tổng Giám đốc, Trưởng các Ban, khối, đơn vị sự nghiệp, Giám đốc Chi nhánh loại I, lãnh đạo công ty thành viên và các Văn phòng đại diện.
Phát biểu khai mạc, ông Tô Huy Vũ cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, bối cảnh kinh tế - chính trị trong nước và quốc tế mở ra nhiều cơ hội tích cực cho ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và Agribank nói riêng. Tuy nhiên, song hành với cơ hội cũng là những thách thức lớn, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có chiến lược điều hành linh hoạt và hiệu quả.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng thành viên và Ban điều hành Agribank đã thống nhất chỉ đạo toàn hệ thống triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021–2025. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2025 đạt nhiều kết quả tích cực, được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao.
Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Phạm Toàn Vượng đã báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm. Theo đó, kết quả hoạt động của toàn hệ thống đạt mức cao nhất kể từ khi triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu từ năm 2021.
Ngay từ đầu năm, Agribank đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo toàn diện, định hướng rõ ràng trong quản trị và điều hành. Các giải pháp được triển khai quyết liệt, khẩn trương, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Ban lãnh đạo Agribank cũng trực tiếp làm việc với các đơn vị trong hệ thống để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn và định hướng hoạt động kinh doanh. Đồng thời, ngân hàng thực hiện rà soát, sắp xếp lại mô hình tổ chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
Tính đến ngày 30/6/2025, nguồn vốn huy động của Agribank vượt mốc 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm – mức cao nhất kể từ năm 2021. Trong đó, tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng lớn. Nguồn vốn tăng trưởng ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn cho sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 61% tổng dư nợ, khẳng định vai trò chủ lực của Agribank trong việc dẫn vốn cho tam nông.
Trong nửa đầu năm, Agribank chủ động triển khai 13 chương trình và sản phẩm tín dụng với quy mô lên tới 400.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sớm từ đầu năm. Ngân hàng cũng mở rộng Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản lên 20.000 tỷ đồng; tiếp tục triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Với vai trò kênh dẫn vốn chủ lực cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân và hiện thực hóa khát vọng làm giàu trên chính quê hương. Nguồn vốn của Agribank tiếp tục tiếp sức cho các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, từ đó nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
>> Bổ nhiệm lãnh đạo Thanh tra NHNN làm Thành viên Ban Kiểm soát Agribank