Tại tọa đàm "Hộ kinh doanh với chính sách thuế mới: Thách thức và giải pháp đồng hành" do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 8/7, ông Nguyễn Tiến Minh – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội – khẳng định, cơ quan thuế không thực hiện truy thu thuế đối với các hộ kinh doanh áp dụng thuế khoán, kể cả khi doanh thu thực tế sau khi sử dụng máy tính tiền có tăng cao so với mức khoán ban đầu.
Theo ông Minh, nếu doanh thu phát sinh vượt quá 50% mức khoán, hộ kinh doanh chỉ cần thông báo để điều chỉnh mức thuế khoán cho phần thời gian còn lại trong năm, không bị truy thu phần trước đó. Đối với hộ áp dụng phương pháp kê khai, nếu có sai sót thì thực hiện kê khai bổ sung theo quy định.
Thống kê của Cục Thuế Hà Nội cho thấy, chỉ có 4.979 hộ kinh doanh trên địa bàn có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên – nhóm thuộc diện bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP. Con số này tương đương 1,5% tổng số hộ đang được quản lý thuế và 2,8% trong nhóm hộ khoán.
Trên thực tế, việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đã được ngành thuế Hà Nội thực hiện từ năm 2023 theo hướng vận động, tuyên truyền. Sau khi Nghị định 70 chính thức có hiệu lực từ 1/6/2025, số hộ đăng ký triển khai đã tăng mạnh, đạt 9.155 hộ, gấp ba lần so với giai đoạn đầu. Trong đó, có 4.379 hộ thuộc diện bắt buộc và 4.776 hộ chưa bắt buộc nhưng tự nguyện tham gia sau khi được hướng dẫn.
Lãnh đạo ngành thuế cho rằng, việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền là giải pháp phù hợp, đặc biệt với những hộ kinh doanh đã có điều kiện công nghệ. Cơ quan thuế cũng đang tích cực hỗ trợ hộ kinh doanh thông qua các hình thức như khảo sát thực tế, tổ chức hội nghị, đối thoại, tìm hiểu công cụ tính tiền mà hộ đang sử dụng để đưa ra phương án phù hợp. Một số nhà cung cấp giải pháp thậm chí hỗ trợ miễn phí đến 6 tháng đầu sử dụng.
Dù pháp luật đã quy định cụ thể về việc điều chỉnh, thay thế hoặc hủy hóa đơn, nhưng do nhiều hộ mới tiếp cận công nghệ nên vẫn còn lúng túng khi thực hiện. Ngoài ra, tâm lý lo ngại bị truy thu phần doanh thu vượt khoán của thời gian trước là nguyên nhân khiến một số hộ e ngại triển khai.
Cục Thuế Hà Nội khẳng định, sẽ không thực hiện truy thu thuế đối với phần doanh thu trước khi triển khai máy tính tiền, đồng thời tiếp tục rà soát và phối hợp với các trung gian thanh toán, đơn vị vận chuyển để kiểm soát rủi ro. Những hộ kinh doanh vi phạm có chủ đích sau khi đã được tuyên truyền, hỗ trợ đầy đủ sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Hiện nay, với việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ngành thuế đang từng bước hoàn thiện kết nối dữ liệu liên thông với các cơ quan quản lý khác, từ đó nâng cao khả năng giám sát thông qua dòng tiền và dữ liệu thật.
Ông Nguyễn Tiến Minh cho biết, mục tiêu cuối cùng là giúp hộ kinh doanh tuân thủ chính sách thuế một cách chủ động, minh bạch, hiện đại. Cơ quan thuế kỳ vọng người nộp thuế sẽ đồng hành cùng nhà nước trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh văn minh và bình đẳng.
>> Từ 1/7: 11 trường hợp chính thức không còn được áp dụng thuế suất GTGT 0%