Tăng trưởng ấn tượng nhờ thương mại điện tử, chính sách không tiền mặt và đổi mới fintech
Theo một báo cáo mới từ ResearchAndMarkets, thị trường thẻ trả trước và ví điện tử tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến đạt 26,6%, đưa quy mô thị trường lên 7,19 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 16,52 tỷ USD vào năm 2029.
Trong giai đoạn 2020–2024, thị trường này đã ghi nhận mức tăng trưởng 30,7%/năm, theo báo cáo của ResearchAndMarkets. Động lực tăng trưởng chính đến từ sự bùng nổ của thương mại điện tử, chính sách thúc đẩy thanh toán số của Chính phủ và làn sóng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính.
Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV và Sacombank đang triển khai nhiều chương trình thẻ trả trước nhằm đa dạng hóa dịch vụ tài chính, trong khi các ví điện tử như MoMo, ZaloPay đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với các giải pháp thanh toán linh hoạt, tích hợp sâu với hệ sinh thái số.
Theo báo cáo, một xu hướng đáng chú ý là các ngân hàng trong nước đang tập trung phát triển các chương trình thẻ trả trước nội địa, kết hợp với mạng lưới thanh toán NAPAS nhằm giảm phụ thuộc vào hệ thống quốc tế, đồng thời hạ chi phí cho người dùng.
Các thẻ này đang được sử dụng phổ biến trong trả lương, chi trả phúc lợi xã hội, thẻ ăn trưa, đi lại và cả các chương trình tài chính đặc thù như học bổng hoặc trợ cấp chính phủ.
Việc mở rộng các dịch vụ dựa trên nền tảng NAPAS không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tài chính toàn diện, đưa nhiều người dân chưa có tài khoản ngân hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức.
Việc tích hợp thẻ trả trước với ví điện tử đang trở thành chuẩn mực mới, đặc biệt trong nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi, theo đánh giá từ ResearchAndMarkets. Sự kết nối này cho phép người dùng nạp tiền, chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân và thực hiện giao dịch online/offline một cách nhanh chóng và bảo mật, mà không cần mở tài khoản ngân hàng truyền thống.
Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này thông qua các cải tiến về bảo mật, trải nghiệm người dùng và khả năng tương thích đa nền tảng. Các công ty đang đầu tư mạnh vào việc nâng cấp ví điện tử, tích hợp tính năng thẻ trả trước và mở rộng liên kết với các nhà bán lẻ, sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ công và doanh nghiệp.
![]() |
Nguồn: ResearchAndMarkets |
Ngân hàng và fintech tăng tốc
Cũng theo báo cáo từ ResearchAndMarkets, cạnh tranh trên thị trường đang ngày càng gay gắt khi các tổ chức tài chính truyền thống và fintech đua nhau giành thị phần. Các công ty như MoMo, ZaloPay hay Got It đang chiếm ưu thế trong việc cung cấp sản phẩm phù hợp với người dùng số, trong khi các ngân hàng tập trung vào phân khúc doanh nghiệp và khách hàng cá nhân có nhu cầu ổn định.
Got It – công ty dẫn đầu trong mảng thẻ quà tặng – đã đạt doanh thu 6,3 triệu USD trong năm 2023, tăng 26,8% so với năm trước. Năm 2024, công ty dự kiến tăng trưởng 49%, nhờ chuyển dịch từ phiếu quà tặng vật lý sang giải pháp số tích hợp cho các thương hiệu đối tác.
Trong vòng 2 đến 4 năm tới, các công ty sẽ tập trung vào ba trụ cột chính để mở rộng thị phần: nâng cao bảo mật, cá nhân hóa trải nghiệm và tích hợp sâu với hệ sinh thái số, theo phân tích của ResearchAndMarkets. Dự báo sẽ xuất hiện làn sóng hợp tác giữa ngân hàng – fintech, từ đó tạo ra các sản phẩm tài chính mới, phù hợp với nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Về mặt chính sách, Chính phủ Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ người dùng, khuyến khích sử dụng thẻ trả trước và ví điện tử thông qua các ưu đãi thuế, quy định bảo mật và hỗ trợ fintech phát triển thị trường.
Theo ResearchAndMarkets, với đà tăng trưởng mạnh mẽ, sự hậu thuẫn từ chính sách và đổi mới công nghệ, thị trường thẻ trả trước và ví điện tử tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển bền vững, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Các ngân hàng và công ty fintech cần tiếp tục đầu tư, hợp tác và đổi mới để nắm bắt cơ hội, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.
>> ‘Chọn mặt, gửi vàng’ kênh đầu tư hiệu quả cho nửa cuối năm 2025