Sáng 8/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhận định: Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức khi tăng trưởng chậm lại, bị tác động bởi biến động chính sách thuế quan, căng thẳng địa chính trị và rủi ro tiềm ẩn từ thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế. Những yếu tố này đã tạo áp lực lớn lên công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước.
Trước diễn biến khó lường từ bên ngoài, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ, hỗ trợ mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Thị trường ngoại tệ vẫn vận hành thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tỷ giá VND được điều hành linh hoạt, bám sát cung cầu thị trường và cân đối vĩ mô”, Phó Thống đốc khẳng định.
Lý giải nguyên nhân VND vẫn mất giá trong bối cảnh DXY giảm mạnh, ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho rằng yếu tố cốt lõi nằm ở chính sách điều hành lãi suất của Việt Nam.
“Để duy trì sức mạnh của đồng tiền, yếu tố hấp dẫn – cụ thể là lãi suất, rất quan trọng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Và để có lãi suất thấp thì phải chấp nhận đánh đổi một phần ổn định của tỷ giá”, ông Quang nêu rõ.
![]() |
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ. Ảnh minh hoạ. |
>>> Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đạt 9,9%, cao nhất từ năm 2022 đến nay
Theo đó, mặt bằng lãi suất đã liên tục giảm kể từ cuối năm 2022. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm thêm khoảng 0,6 điểm phần trăm mỗi năm. Chính sách này khiến lãi suất VNĐ xuống thấp hơn lãi suất USD, tạo ra trạng thái chênh lệch âm. Chênh lệch lãi suất âm thúc đẩy tâm lý găm giữ ngoại tệ, gia tăng cầu USD, qua đó gây áp lực lên tỷ giá.
"Để có lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có sự đánh đổi về tỷ giá", ông Quang nhận định.
Bên cạnh yếu tố lãi suất, ông Quang cũng nhấn mạnh đến biến động dòng vốn quốc tế. Dù cán cân thanh toán tổng thể vẫn giữ được trạng thái tương đối ổn định, với thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư, nhưng dòng tiền trên thị trường tài chính lại biến động nhanh, khó lường.
“Dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán đã liên tục rút ròng từ năm 2024 đến nay. Sự dịch chuyển này tác động trực tiếp đến thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống, từ đó gây sức ép đáng kể lên tỷ giá”, ông Quang nói.
Nhìn về phía trước, ông Quang nhận định, diễn biến tỷ giá, lãi suất, thậm chí giá vàng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế của Mỹ và động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, kim ngạch xuất khẩu so với GDP từng vượt 200%, nên bất kỳ thay đổi nào về chính sách thuế của Mỹ đều tác động mạnh tới hoạt động thương mại, đầu tư và tỷ giá”, ông Quang phân tích.
Ông cũng lưu ý, từ đầu năm đến nay, Fed đã 2 lần hoãn giảm lãi suất, chủ yếu do các bất ổn liên quan đến chính sách thuế của chính quyền Trump và sự bấp bênh của lạm phát Mỹ. Dù lạm phát tại châu Âu và Nhật Bản có xu hướng hạ nhiệt, nhưng tại Mỹ lại tiềm ẩn nhiều bất định, đặc biệt khi chính sách tiền tệ của Fed dựa nhiều vào dữ liệu việc làm – yếu tố vẫn còn rất nhiều "ẩn số".
Về diễn biến thị trường vàng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, những tháng đầu năm 2025, giá vàng thế giới biến động mạnh và liên tục phá kỷ lục. Điều này kéo giá vàng trong nước tăng theo.
Tuy nhiên, nhờ các biện pháp điều hành đồng bộ, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được kiểm soát ổn định, duy trì ở mức khoảng 5 triệu đồng/lượng – thấp hơn đáng kể so với mức chênh lệch từng lên tới 10-15 triệu đồng/lượng trước đây.
Hiện NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo minh bạch và ổn định thị trường.
>>> Vì sao VND mất giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt dù USD đang suy yếu?