Tem chống giả cũng bị làm giả, thương mại điện tử đã trở thành 'mảnh đất màu mỡ' cho hàng nhái

Ngày 7/7/2025, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm đánh giá tình hình, đồng thời đề ra giải pháp ứng phó trong bối cảnh mới. Theo báo cáo từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo, hàng giả hiện nay không chỉ tập trung vào các mặt hàng xa xỉ như thời trang, mỹ phẩm mà đã len lỏi vào mọi lĩnh vực thiết yếu của đời sống – từ thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng đến linh kiện điện tử, vật tư nông nghiệp, phân bón, phụ tùng ô tô – xe máy.

Điều đáng lo ngại là thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi. Không ít mặt hàng giả được dán tem chống giả, mô phỏng bao bì, nhãn mác y như hàng thật, khiến người tiêu dùng không thể phân biệt nếu chỉ quan sát bằng mắt thường. Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả phát tán. Không chỉ ở thành thị, hàng giả còn âm thầm xâm nhập các vùng nông thôn, miền núi thông qua hình thức mua bán online, mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Tem chống giả cũng bị làm giả, thương mại điện tử như 'ổ' hàng nhái, người tiêu dùng thành 'con mồi'
Hàng nhái ngày càng tinh vi, ngay cả tem chống giả cũng bị làm fake. Ảnh minh họa

>> Hàng giả, hàng nhái: Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực

Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện và xử lý 50.419 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, dù giảm 21,45% so với cùng kỳ 2024, nhưng lại cho thấy sự gia tăng ở một số lĩnh vực trọng điểm. Cụ thể, các vụ buôn bán và vận chuyển hàng cấm, hàng lậu tăng tới gần 80%, còn số vụ hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tăng hơn 8%. Tổng số tiền thu nộp ngân sách vượt 6.454 tỷ đồng, trong khi số vụ khởi tố hình sự và số đối tượng liên quan cũng tăng mạnh, lần lượt hơn 192% và 70% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong tháng cao điểm từ 15/5 đến 15/6/2025, cả nước xử lý hơn 10.400 vụ vi phạm, trong đó có tới 1.631 vụ liên quan đến hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với số tiền thu về ngân sách hơn 1.278 tỷ đồng.

Tem chống giả cũng bị làm giả, thương mại điện tử như 'ổ' hàng nhái, người tiêu dùng thành 'con mồi'
Thương mại điện tử trở thành "thiên đường" cho hàng giả tung hoành. Ảnh minh họa

>> 'Hàng hiệu' vài chục ngàn đồng ở chợ: Chị em hào hứng chọn, 'mua nhiều còn được giảm giá'

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 nhấn mạnh rằng hàng giả không chỉ gây tổn thất kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và cản trở sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp. Trong tình hình mới, ông cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và quyết liệt từ chính quyền, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng.

Đối với doanh nghiệp, cần chủ động đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, thiết kế công nghiệp; sử dụng các công cụ chống giả hiện đại như mã vạch bảo mật, tem điện tử, bao bì có dấu hiệu nhận diện đặc trưng… Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tăng cường kiểm tra nội bộ và cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Về phía các sàn thương mại điện tử, trách nhiệm giám sát và sàng lọc hàng hóa cần được thực hiện nghiêm túc. Việc yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp lệ, kiểm duyệt thông tin sản phẩm, phối hợp với chủ sở hữu nhãn hiệu để xử lý vi phạm là những bước đi cần thiết nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng đang hướng đến ứng dụng công nghệ số trong kiểm soát hàng hóa, từ biên giới đến lưu thông nội địa. Các giải pháp như truy xuất nguồn gốc, mã định danh sản phẩm, cơ sở dữ liệu hàng hóa quốc gia được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả chống hàng giả.

>> Giám đốc Sở ở TPHCM: Trên TikTok, kem trộn được làm trong thau và người bán đeo kim cương, hột xoàn