Thống đốc NHNN nói về yếu tố cốt lõi chi phối tỷ giá

Thống đốc nhấn mạnh việc điều hành lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và thách thức. Và những biến số này sẽ tác động đến câu chuyện thị trường trong nước và dòng vốn vào - ra của nền kinh tế.
Thống đốc NHNN nói về yếu tố cốt lõi chi phối tỷ giá- Ảnh 1.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 21/2 (Ảnh: VGP/HT)

Phát biểu tham luận tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định diễn biến kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục khó lường trong năm 2025 với độ mở cửa lớn của nền kinh tế. Những căng thẳng, thay đổi về chính sách thương mại sẽ tiếp tục tạo nhiều áp lực cho thị trường tài chính. Chính sách tiền tệ, tỷ giá của các ngân hàng trung ương trên thế giới và của Việt Nam sẽ chịu rất nhiều áp lực.

Với bối cảnh này và với mục tiêu tăng trưởng bứt phá, Thống đốc nhấn mạnh việc điều hành lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và thách thức. Và những biến số này sẽ tác động đến câu chuyện thị trường trong nước và dòng vốn vào - ra của nền kinh tế.

Thống đốc NHNN cũng cho biết yếu tố cốt lõi chi phối tỷ giá tỷ giá là cung cầu ngoại tệ. Hiện nay, tỷ giá đang chịu áp lực. Theo Thống đốc, Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành cần có giải pháp để hài hòa hóa thương mại với các đối tác lớn để làm sao Việt Nam không vào danh sách chịu áp thuế.

Trước đó, các lãnh đạo NHNN cũng từng nhiều lần nhận định tỷ giá VND/USD chịu nhiều áp lực do độ mở của nền kinh tế Việt Nam, cùng với các yếu tố như chính sách kinh tế của các nước lớn, biến động đồng USD, biến động địa chính trị và tình hình xuất nhập khẩu.

Tại Họp báo ngành ngân hàng đầu năm 2025, ông Nguyễn Chí Quang (Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ) đã có những phân tích chi tiết về ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế đối với biến động tỷ giá trong năm 2024.

Theo ông Quang, trong 2 quý đầu năm 2024, thị trường ngoại hối có những biến động khiến NHNN phải tiến hành bán ngoại tệ can thiệp. Quý 3/2024, thị trường ngoại tệ ổn định hơn. Nhưng sang quý 4/2024, những diễn biến bất ngờ ở quốc tế lại gây áp lực tới vấn đề tỷ giá. Đặc biệt tháng 11/2024, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã tác động mạnh tới đồng USD. Theo đó, Tổng thống đắc cử Mỹ định hướng chính sách tương tự nhiệm kỳ 1 của ông, tức áp mức thuế suất cao đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt là các nước đối tác thương mại lớn, trong đó có Việt Nam. Thị trường ngoại hối toàn cầu đã có thay đổi lớn, chỉ số đồng USD tăng nhanh, có thời điểm lên cao nhất 3 năm, đồng USD đã tăng 7,6% so với năm 2023.

“Dòng ngoại hối trên thế giới biến động mạnh, tất cả thị trường mới nổi đều bị suy giảm nguồn đầu tư. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thống kê sơ bộ của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cũng cho thấy giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm qua là hơn 3,5 tỷ USD. Điều này cho thấy sức ép nhất định tới thị trường ngoại hối, đặc biệt là động thái bán ròng sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Song song với đó, chúng ta cũng phải cân đối lượng ngoại tệ rất lớn cho Bộ Tài chính để trả nợ nước ngoài. Riêng 2 lượng ngoại tệ trên đã rất lớn, gây sức ép trong thời gian ngắn và thị trường ngoại tệ đã có diễn biến căng thẳng hơn trong quý 4/2024”, ông Quang nói tại họp báo.

Trước những sức ép kể trên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng cho biết NHNN đã kết hợp các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện hoạt động “bơm, hút” trên thị trường liên ngân hàng, “đi bằng 2 chân”. Một mặt, không để các ngân hàng khó khăn về thanh khoản; và mặt khác, hút bớt lượng tiền để giảm chênh lệch lãi suất USD và VND. 

“Chênh lệch lãi suất này luôn âm trong năm 2024 mặc dù FED đã có nhiều lần giảm lãi suất, dẫn tới động cơ cho các tổ chức tín dụng kinh doanh chênh lệch lãi suất, nắm giữ đồng đô la Mỹ. Bằng biện pháp điều hoà trên thị trường liên ngân hàng như bằng tín phiếu đã giảm được đáng kể sức ép đầu cơ ngoại tệ”, ông Quang nói.

Song song với đó, NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính để hài hoà chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. NHNN đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước về lượng tiền Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng, hay quá trình phát hành Trái phiếu Chính phủ. Qua đó, một mặt chúng ta giữ được lãi suất ổn định, một mặt kiểm soát tỷ giá.

Trong năm 2025, với những phân tích trên, đặc biệt là khi Tổng thống Donald Trump có các chính sách mạnh mẽ về thuế sẽ dẫn đến biến động lớn tới dòng ngoại hối, đầu tư trên toàn cầu, ông Quang cho biết NHNN sẽ theo sát các diễn biến dòng tiền trên toàn cầu để tham mưu Chính phủ, đảm bảo mục tiêu kép, một mặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặt khác không lơ là kiểm soát lạm phát.