Top 100 ngân hàng số hàng đầu thế giới: Khu vực châu Á - TBD áp đảo về số lượng, Việt Nam có 1 đại diện

The Asian Banker Global (TAB Global) vừa công bố danh sách “Top 100 ngân hàng số hàng đầu thế giới năm 2025”. Trong đó, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn trên bản đồ tài chính số toàn cầu khi có một đại diện nằm trong danh sách này.
Top 100 ngân hàng số hàng đầu thế giới: Khu vực châu Á - TBD áp đảo về số lượng, Việt Nam có 1 đại diện- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Top 100 ngân hàng số hàng đầu thế giới năm 2025

Tổ chức The Asian Banker Toàn cầu (TAB Global) – đơn vị chủ quản của tạp chí tài chính The Asian Banker vừa công bố danh sách “Top 100 ngân hàng số hàng đầu thế giới năm 2025”. Bảng xếp hạng thường niên này vinh danh các ngân hàng thuần số thành công nhất đang hoạt động độc lập với các ngân hàng thương mại truyền thống, mang đến trải nghiệm khách hàng hoàn toàn số hóa.

Kể từ năm 2021, TAB Global đã xếp hạng các ngân hàng thuần số hàng đầu thế giới, sử dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng để đánh giá năng lực theo 5 tiêu chí chính: khách hàng, độ phủ thị trường/sản phẩm, lợi nhuận, tăng trưởng tài sản và tiền gửi, cũng như khả năng huy động vốn.

Thay vì tập trung vào quy mô, bảng xếp hạng ưu tiên các yếu tố như khả năng sinh lời, hiệu suất hoạt động, khả năng tiếp cận nguồn vốn, cũng như sức mạnh của danh mục cho vay và bảng cân đối kế toán. Bảng xếp hạng của TABInsights đã trở thành một trong những tiêu chuẩn toàn cầu để đo lường mức độ thành công của ngành ngân hàng số trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Trong số 100 ngân hàng số hàng đầu năm 2025, 47% có trụ sở tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 30% tại châu Âu và 10% tại Bắc Mỹ, 13% còn lại nằm ở các các khu vực khác.

Các ngân hàng số dẫn đầu theo từng khu vực bao gồm TymeBank tại châu Phi, WeBank tại châu Á - Thái Bình Dương, ING (toàn cầu) tại châu Âu, Wio Bank (UAE) tại Trung Đông, Ally Bank (Mỹ) tại Bắc Mỹ, Nubank tại khu vực Mỹ Latinh và Nam Mỹ, SeaBank (Indonesia) tại Đông Nam Á và Revolut tại Vương quốc Anh.

Tại Việt Nam, Ngân hàng số Cake by VPBank (Cake) là đại diện duy nhất nằm trong “Top 100 ngân hàng số hàng đầu thế giới năm 2025”, đồng thời cũng được vinh danh “Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam”. Cake có tổng điểm là 26,2. Đây cũng là điểm số cao nhất của một ngân hàng số Việt Nam từng đạt được trong bảng xếp hạng này.

Top 100 ngân hàng số hàng đầu thế giới: Khu vực châu Á - TBD áp đảo về số lượng, Việt Nam có 1 đại diện- Ảnh 2.

Theo TAB Global, 100 ngân hàng số hàng đầu năm 2025 nắm giữ 2,4 nghìn tỷ USD tổng tài sản, 2 nghìn tỷ USD tiền gửi, 1,4 nghìn tỷ USD dư nợ cho vay và tạo ra 78 tỷ USD tổng doanh thu vào cuối năm tài chính (FY) 2023. Tổng tài sản, dư nợ cho vay, tiền gửi và doanh thu của các ngân hàng này tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lần lượt là 7%, 8%, 7% và 18% trong giai đoạn 2021-2023, cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong bảng xếp hạng năm 2025, 61% trong số 100 ngân hàng số hàng đầu báo cáo có lãi, tăng từ mức 48% trong bảng xếp hạng năm 2024. Tuy nhiên, tỷ lệ hòa vốn trên toàn bộ ngành ngân hàng số toàn cầu vẫn dưới 25%. Thời gian đạt điểm hòa vốn của các ngân hàng số đang rút ngắn, với các ngân hàng hàng đầu đạt được trong trung bình hai năm.

TAB Global cũng cho biết, các ngân hàng số tiếp tục mở rộng cơ sở khách hàng, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã giảm so với giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19. Cụ thể, 100 ngân hàng số hàng đầu ghi nhận mức tăng trưởng số lượng khách hàng trong năm 2023 khoảng 15%, cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ và tiềm năng phát triển bền vững. Một số ngân hàng số có mức tăng trưởng khách hàng vượt 50% trong năm 2023, bao gồm Z-Bank (Trung Quốc), Bank Aladin, Allo Bank và blu (Indonesia), bunq (Hà Lan), Maya Bank, Trust Bank (Singapore) và Cake (Việt Nam).

Cake – Đại diện duy nhất của Việt Nam lọt Top 100 ngân hàng số hàng đầu thế giới

Theo đánh giá từ hội đồng chấm điểm của TAB Insights, Ngân hàng số Cake là đại diện duy nhất từ Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng 100 ngân hàng số hàng đầu thế giới năm 2025. Cake nổi bật trong ngành tài chính Việt Nam nhờ vào hiệu quả hoạt động.

Bảng công bố Top 100 ngân hàng số tốt nhất toàn cầu đồng thời đưa ra nhận xét, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, các giải pháp sáng tạo và mức độ tương tác cao của khách hàng, Cake được đánh giá là Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam, trong mối tương quan so sánh với hàng trăm ngân hàng cá nhân trên toàn cầu, thuộc khuôn khổ đánh giá của TAB Global.

Đại diện của TAB Global nhận định, Cake đã chứng minh sự tăng trưởng mạnh mẽ về cơ sở khách hàng, tiền gửi, cho vay và doanh thu, nhanh chóng khẳng định mình là doanh nghiệp hàng đầu thông qua cách tiếp cận sáng tạo, lấy khách hàng làm trọng tâm. Cake cung cấp một loạt các dịch vụ, được củng cố bởi quan hệ đối tác chiến lược giúp nâng cao các dịch vụ và mở rộng phạm vi tiếp cận. Bằng cách tận dụng AI và machine learning để điều chỉnh các sản phẩm tài chính theo nhu cầu của khách hàng, ngân hàng tăng mức độ tương tác và sự hài lòng, đạt được tỷ lệ giữ chân 80% cho người dùng giao dịch và 95% cho người dùng sản phẩm tài chính.

Tính đến cuối năm 2024, Cake đã đạt con số 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh thu trên mỗi người dùng tăng gấp ba lần - lên 12 USD. Đặc biệt, thu nhập hoạt động (operating income) của Cake đã tăng gấp bảy lần và Ebitda tăng gấp bốn lần vào năm 2024.

Để đạt được hiệu quả và dấu ấn mạnh mẽ như trên, Cake đã và đang cung cấp các dịch vụ tài chính bằng cách tận dụng sức mạnh của AI để nâng cao hoạt động và trải nghiệm ngân hàng của khách hàng. Cake có dải sản phẩm ngân hàng hoàn chỉnh, từ tài khoản thanh toán, gửi tiết kiệm, thẻ tín dụng, vay tiêu dùng… cùng các dịch vụ sáng tạo khác giúp mở rộng tài chính toàn diện. Điều này giúp ngân hàng số tăng tiếp cận đến phân khúc giới trẻ năng động, và cả các phân khúc mà ngân hàng truyền thống chưa phục vụ đầy đủ, như tài xế công nghệ, người làm việc tự do hoặc đội ngũ bán hàng trực tuyến…

Ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng giám đốc Cake, cho biết lợi nhuận hoạt động của Cake năm 2024 đã tăng gấp 7 lần, trong khi EBITDA tăng gấp 4 lần. Ông cho rằng sự tăng trưởng này đến từ việc tối ưu hóa chi phí và cải thiện dịch vụ khách hàng.

“Ngân hàng số và ngân hàng truyền thống có thể hỗ trợ nhau để mở rộng tiếp cận tài chính tại Việt Nam”, ông Quang chia sẻ. Theo ông, ngân hàng số có thể phục vụ những nhóm khách hàng mà ngân hàng truyền thống chưa phục vụ đầy đủ, như tài xế công nghệ, người làm việc tự do và người bán hàng trực tuyến.

Các ngân hàng truyền thống thường khó phục vụ nhóm khách hàng này do họ không có lịch sử tín dụng, thiếu tài sản thế chấp và phải tuân theo nhiều thủ tục phức tạp. Trong khi đó, ngân hàng số có lợi thế về công nghệ, đặc biệt là các giải pháp AI, giúp đơn giản hóa quy trình và giảm chi phí vận hành.

Hiện tại, Cake có khoảng 250 nhân viên, trong đó 40% làm việc trong lĩnh vực công nghệ và dữ liệu.

Cake đặt mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng số hàng đầu Đông Nam Á trong vòng 3-5 năm tới. Ông Nguyễn Hữu Quang cho rằng một ngân hàng số hàng đầu trong khu vực có thể đạt lợi nhuận từ 30 đến 50 triệu USD mỗi năm.

Việt Nam – “Mảnh đất” màu mỡ nhưng đầy cạnh tranh của các ngân hàng số

Với khoảng 70 triệu người dùng Internet, chiếm 70,3% dân số, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 tại châu Á. Thống kê của Statista cũng chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có nhiều người sở hữu tài sản số nhất thế giới trong năm 2021. Những con số này cho thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển của ngân hàng số.

Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt các ngân hàng số đánh dấu sự nở rộ của xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, theo tiến trình phát triển ngân hàng số, hầu hết các ngân hàng số Việt Nam đang ở giai đoạn giao thoa với các ngân hàng truyền thống. Theo đó, các ngân hàng số hiện nay thường được phát triển dựa trên nguồn lực có sẵn của các ngân hàng truyền thống, tập trung vào phát triển công nghệ nhằm đem đến cho khách hàng sự thuận tiện trong giao dịch trong một ứng dụng ngân hàng số. Và chỉ có một số ít theo đuổi mô hình ngân hàng thuần số như Cake by VPBank, Timo hay Liobank…

Với sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, lĩnh vực ngân hàng số tại Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong lĩnh vực này đòi hỏi sự linh hoạt của các ngân hàng để duy trì hoạt động và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngân hàng số.

Theo Fitch Ratings, ít nhất 16 trong số hơn 45 ngân hàng số tại Châu Á – Thái Bình Dương đã đạt điểm hòa vốn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc đạt lợi nhuận vẫn là một thách thức lớn.

Ông Tamma Febrian, Giám đốc phụ trách tổ chức tài chính tại Fitch Ratings cho rằng, ngân hàng số muốn thành công cần phải tạo được sự khác biệt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Đồng thời, họ cũng phải kiểm soát tốt rủi ro khi phục vụ nhóm khách hàng có mức độ rủi ro cao hơn.

“Chúng tôi tin rằng nhiều ngân hàng số tại Việt Nam có thể đạt lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố này”, ông nói với The Business Times.

Fitch Ratings cũng cho rằng, rủi ro của ngân hàng số tại các thị trường mới nổi như Việt Nam xuất phát từ việc khách hàng có thu nhập thấp và thiếu lịch sử tín dụng. Nếu ngân hàng không định giá khoản vay hợp lý, họ có thể đối mặt với nợ xấu gia tăng và chi phí tín dụng cao hơn.

Khả năng cung cấp vốn cho những khách hàng này còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng, năng lực đánh giá tín dụng và tiềm lực tài chính.

Dù vậy, ngân hàng số tại Việt Nam có lợi thế về lượng khách hàng chưa được phục vụ. Thị trường này có tỷ lệ tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng thấp hơn các nước phát triển. Nhờ đó, cạnh tranh từ ngân hàng truyền thống không quá lớn, tạo cơ hội để ngân hàng số đạt lợi nhuận.