Nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nhớ đến cà phê, hồ tiêu, những chú voi to lớn hay tiếng cồng chiêng vang vọng giữa đại ngàn. Nhưng giữa những đặc sản đã thành thương hiệu ấy, có một trái dại mộc mạc nhưng đầy cuốn hút mà du khách không thể bỏ qua – đó là cà đắng.
![]() |
>> Ở chợ có loại rau trông 'như nắm cỏ', từng chỉ dùng cho vua chúa, nay được săn đón với giá đắt hơn thịt: Dân sành ăn đổ xô tìm mua
Từ bìa rừng đến mâm cơm bản làng
Cà đắng mọc hoang ven suối, bìa rừng hay trên các rẫy cằn khô. Quả nhỏ bằng ngón tay cái, vỏ xanh lốm đốm trắng, cuống lấm tấm gai. Khi cắn thử, vị đắng chát lập tức lan tỏa nơi đầu lưỡi, nhưng càng ăn lại càng thấy “ghiền”.
Loài cây này sinh trưởng bền bỉ dưới nắng gió Tây Nguyên, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và cho trái gần như quanh năm – cao điểm từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch.
Không cần cầu kỳ, người dân Tây Nguyên giã cà đắng với muối hột, ớt rừng trong cối đá là đã có món chấm tuyệt vời, thường ăn kèm cơm hoặc đồ nướng – đặc biệt tiện lợi cho những buổi đi rẫy dài ngày.
![]() |
Từ quả dại thành đặc sản hút khách
Theo thời gian, cà đắng không chỉ gói gọn trong các bữa ăn bản làng mà đã trở thành nguyên liệu chủ đạo trong thực đơn nhiều nhà hàng Tây Nguyên. Từ món cà đắng um nhím, heo rừng, dê, đến cà đắng nấu lươn, kho cá khô, hay cà đắng phơi khô nấu canh với đậu đen, nấm mèo, xương đầu heo – tất cả đều mang hương vị dân dã nhưng đậm đà bản sắc.
Vị đắng gắt ban đầu khiến không ít du khách cau mày, nhưng cái hậu ngọt thanh, mát lành khiến người ta muốn ăn thêm lần nữa, rồi nhớ mãi. Sự đối lập trong hương vị ấy tạo nên nét riêng không trộn lẫn của cà đắng – một thứ “gia vị rừng” đầy quyến rũ.
Hiện nay, cà đắng không còn là trái dại vô danh. Du khách đến Tây Nguyên vào đúng mùa thường tìm mua vài cân mang về làm quà. Trên các chợ mạng, cà đắng được rao bán phổ biến với giá 90.000 – 120.000 đồng/kg, tùy vào mùa và độ tươi.
Không chỉ là thực phẩm, cà đắng còn được xem là một phần linh hồn ẩm thực Tây Nguyên, góp mặt trong bữa ăn hàng ngày lẫn những món đặc sản phục vụ khách du lịch. Từ rừng sâu ra chợ mạng, từ bếp nhà ra thực đơn nhà hàng – hành trình của trái cà đắng là một minh chứng cho sức sống bền bỉ của văn hóa ẩm thực bản địa.
>> Việt Nam chi gần 4.000 tỷ đồng mua một loại hạt 'vạn người mê': Vị bùi béo, bổ dưỡng đủ đường