Theo số liệu từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam đạt 390 triệu USD, chiếm tới 31% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ dừa. Thành công này đến từ nhiều nỗ lực phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp và Hiệp hội Dừa Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua. Đặc biệt, việc hai thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc chính thức mở cửa cho dừa tươi Việt Nam đã tạo cú hích quan trọng cho ngành hàng này.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200.000 ha trồng dừa, đứng thứ 7 thế giới về diện tích. Những năm gần đây, cây dừa không chỉ hiện diện trong các vườn tạp mà đã bắt đầu hình thành các trang trại quy mô, đi kèm với nhu cầu về giống chất lượng, kỹ thuật canh tác hiện đại và đầu tư hạ tầng chế biến.
![]() |
Việt Nam có khoảng 200.000 ha trồng dừa, đứng thứ 7 thế giới về diện tích. Ảnh minh họa |
>> Việt Nam có thêm loại 'quả tỷ đô' được thế giới yêu thích, Trung Quốc vừa cấp phép xuất khẩu chính ngạch
Toàn ngành đã bước đầu xây dựng được chuỗi giá trị hoàn chỉnh với hơn 250 cơ sở chế biến, trong đó khoảng 80 doanh nghiệp đã đầu tư vào sản phẩm chế biến sâu. Dừa Việt hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia, mở ra cơ hội lớn trong lĩnh vực nông nghiệp giá trị cao.
Dù đạt được nhiều thành tựu, ngành dừa Việt vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản nếu muốn cạnh tranh bền vững với các “cường quốc dừa” như Thái Lan, Indonesia hay Philippines.
Theo bà Trần Lệ Hoa, Phó Ban Khoa học xã hội thuộc Hiệp hội Dừa Việt Nam, một trong những hạn chế lớn nhất là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Dừa được trồng tại 16 tỉnh, nhưng chủ yếu dưới hình thức xen canh khiến việc thu mua gặp khó do chất lượng, kích thước và chủng loại không đồng đều.
![]() |
Quy mô xuất khẩu dừa Việt Nam hiện tại vẫn chưa tương xứng với tiềm lực. Ảnh minh họa |
>> Loại quả tỷ đô bất ngờ lật đổ sầu riêng, soán ngôi 'vua trái cây Việt'
Bên cạnh đó, khâu vận chuyển và bảo quản vẫn còn lạc hậu. Việc thu mua chủ yếu qua xe máy, ghe thô sơ khiến chi phí logistics đội lên cao. Sau thu hoạch, dừa thường được chứa trong kho tạm bợ, không đảm bảo điều kiện bảo quản, ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm khi xuất khẩu.
Yếu tố thương hiệu cũng là điểm yếu cố hữu. Trong khi Thái Lan đã phát triển các dây chuyền đóng gói tự động, dán nhãn chuẩn hóa, thì phần lớn dừa Việt Nam vẫn được xử lý thủ công, thiếu nhận diện thương hiệu rõ ràng. Điều này khiến giá trị dừa Việt thấp hơn đối thủ dù chất lượng không hề kém cạnh.
Để tháo gỡ các điểm nghẽn, các chuyên gia ngành dừa cho rằng cần sớm ban hành hành lang pháp lý cho mô hình trồng dừa tập trung. Điều này không chỉ giúp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi mà còn mở đường cho việc sản xuất quy mô lớn, đồng bộ, phù hợp xuất khẩu chính ngạch.
Cùng với đó là việc chuẩn hóa giống dừa. Các địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã để xác định giống đầu dòng, định hướng lai tạo phù hợp từng vùng sinh thái nhằm đảm bảo chất lượng và ổn định nguồn cung.
Đặc biệt, quy trình chăm sóc, sử dụng phân bón cũng cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng thâm canh thiếu bền vững ảnh hưởng đến chất lượng nước dừa.
![]() |
Dừa Việt hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia. Ảnh minh họa |
>> Tin vui cho sầu riêng Việt: Trung Quốc vừa cấp thêm gần 1.000 'giấy thông hành' cho quả tỷ đô
Song song với quá trình tổ chức lại sản xuất, việc xây dựng thương hiệu vùng là bước đi không thể thiếu. Mỗi giống dừa cần được gắn với chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, thông tin sở hữu để nâng tầm nhận diện và tăng giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Một tín hiệu tích cực là nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu ứng dụng công nghệ và đầu tư vào sản phẩm mới như dừa nguyên trái gọt kim cương, dừa cắt khắc laser… giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu hút thị trường cao cấp.
Từ năm 2023, Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng đã triển khai kênh thông tin trên Zalo để cập nhật nhu cầu thu mua từ đối tác nước ngoài. Đây là một bước đi tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc kết nối thị trường.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và người tiêu dùng ngày càng chú trọng yếu tố bền vững, dừa không chỉ là loại trái cây nhiệt đới mà còn là biểu tượng văn hóa, đại diện cho vùng đất và con người Việt Nam. Nếu biết cách khai thác những giá trị vô hình đó, ngành dừa Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành biểu tượng mới trong bản đồ trái cây xuất khẩu toàn cầu.
>> Giá tăng phi mã vẫn cháy hàng, Malaysia đang 'khát' loại quả tỷ đô của Việt Nam