Từ 1/1/2026: Lương tối thiểu dự kiến tăng 250.000 - 350.000 đồng

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó đề xuất điều chỉnh tăng 7,2% so với mức hiện hành. Mức lương tối thiểu mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Phương án điều chỉnh này trùng với khuyến nghị đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất thông qua và trình Chính phủ.

Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng theo bốn vùng được đề xuất như sau: vùng I là 5,31 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,73 triệu đồng/tháng, vùng III là 4,14 triệu đồng/tháng và vùng IV là 3,7 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức tăng dao động từ 250.000 đến 350.000 đồng tùy theo vùng, tương đương tỷ lệ tăng bình quân 7,2% so với mức hiện hành.

Theo Bộ Nội vụ, mức tăng lương tối thiểu lần này cao hơn khoảng 0,6% so với mức sống tối thiểu dự kiến của người lao động đến hết năm 2026. Việc điều chỉnh đã tính đến yếu tố lạm phát, trên cơ sở kịch bản chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 và 2026 đều tăng khoảng 3,7% mỗi năm. Bộ Nội vụ cho rằng mức điều chỉnh này thể hiện sự chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp, vừa hỗ trợ cải thiện thu nhập và đời sống cho người lao động, vừa đảm bảo không gây áp lực lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với việc điều chỉnh lương tối thiểu theo tháng, Bộ Nội vụ cũng đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ, tiếp tục chia theo bốn vùng.

Cụ thể, vùng I là 25.500 đồng/giờ, vùng II là 22.700 đồng/giờ, vùng III là 20.000 đồng/giờ và vùng IV là 17.800 đồng/giờ. Việc tính toán mức lương tối thiểu giờ được thực hiện theo phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng, trên cơ sở thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây là phương pháp đã được các chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị Việt Nam áp dụng từ năm 2022 đến nay.

Về thời điểm áp dụng, Bộ Nội vụ đề xuất bắt đầu thực hiện mức lương tối thiểu mới từ ngày 1/1/2026, nhằm đảm bảo đủ thời gian cho các doanh nghiệp xây dựng phương án tài chính và chuẩn bị nguồn lực cần thiết. Theo thống kê quốc tế, phần lớn các nước thường lựa chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính để tạo thuận lợi trong việc lập kế hoạch kinh doanh.

Tại Việt Nam, kể từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã 20 lần điều chỉnh lương tối thiểu, trong đó có 15 lần thực hiện vào ngày 1/1 hằng năm. Những lần điều chỉnh ngoài thời điểm này đều gắn với những yếu tố đặc biệt. Gần đây nhất, mức lương tối thiểu hiện hành bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7/2024, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19 và bắt đầu có nhiều tín hiệu khởi sắc.

>> Nhà nước dành gần 77.000 tỷ đồng để tăng lương cho cán bộ, công chức