Trung Quốc âm thầm siết nguồn cung đất hiếm toàn cầu

Lần đầu tiên sau nhiều năm, Trung Quốc ban hành hạn ngạch khai thác và tinh luyện đất hiếm mà không công bố rộng rãi, cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường kiểm soát một trong những nguồn tài nguyên chiến lược nhất thế giới.

Trung Quốc âm thầm siết nguồn cung đất hiếm toàn cầu
Trung Quốc lặng lẽ cấp hạn ngạch đất hiếm năm 2025, cho thấy động thái siết chặt kiểm soát nguồn tài nguyên chiến lược. Ảnh minh hoạ

Trung Quốc đã âm thầm phân bổ hạn ngạch khai thác và chế biến đất hiếm đầu tiên cho năm 2025, thay vì công bố công khai như thường lệ trên trang web của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin. Theo Reuters, đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang gia tăng kiểm soát lĩnh vực tài nguyên được xem là thiết yếu trong các ngành công nghiệp công nghệ cao và quốc phòng.

Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, đóng vai trò then chốt trong sản xuất xe điện, tuabin gió, robot, tên lửa và các thiết bị điện tử tiên tiến. Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về khai thác và tinh luyện loại khoáng sản này. Do đó, hạn ngạch đất hiếm mà nước này ban hành hằng năm luôn được xem là chỉ báo quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong năm 2024, Trung Quốc cấp hai đợt hạn ngạch tinh luyện và phân tách với tổng cộng 254.000 tấn, tăng 4,2% so với năm trước. Về khai thác, mức hạn ngạch năm ngoái là 270.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng nguồn cung giảm mạnh từ 21,4% năm 2023 xuống còn 5,9%.

>>Phát hiện mới tại 'mỏ kho báu 210 loại' lớn nhất thế giới của Trung Quốc

Đáng chú ý, Trung Quốc đã thu hẹp số doanh nghiệp được phép tiếp cận hạn ngạch. Nếu trước đây có sáu công ty tham gia, thì năm ngoái chỉ còn hai tập đoàn nhà nước được phân bổ. Điều này cho thấy xu hướng tập trung hóa nguồn lực và tăng quyền kiểm soát trong lĩnh vực đất hiếm.

Reuters nhận định, Trung Quốc ngày càng sử dụng đất hiếm như một công cụ chiến lược trong đàm phán thương mại, đặc biệt là với Mỹ và Liên minh châu Âu. Năm ngoái, nước này đã đưa một số nguyên tố đất hiếm và nam châm vĩnh cửu vào danh sách hạn chế xuất khẩu nhằm đáp trả chính sách tăng thuế từ phía Mỹ. Động thái này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, buộc một số hãng sản xuất ô tô ngoài Trung Quốc phải tạm dừng một phần hoạt động.

Song song với việc siết hạn ngạch, Trung Quốc cũng tăng cường trấn áp hoạt động buôn lậu. Ngày 19 tháng 7, Bộ An ninh Quốc gia nước này thông báo đã ngăn chặn một vụ xuất khẩu trái phép đất hiếm. Theo cơ quan này, một tổ chức nước ngoài đã cấu kết với các đối tượng tại Trung Quốc để tuồn đất hiếm ra ngoài bằng cách gian lận nhãn mác và trộn lẫn đất hiếm với vật liệu xây dựng.

Cụ thể, các đối tượng đã chia nhỏ hàng hóa thành nhiều lô, vận chuyển qua các tuyến đường khác nhau. Đất hiếm dạng bột được trộn với nguyên liệu làm gạch lát và đóng chai dán nhãn "linh kiện máy móc" nhằm che mắt lực lượng chức năng. Bộ An ninh Quốc gia cho biết họ đã chặn đứng thành công các tuyến đường từng được sử dụng để xuất khẩu trái phép mặt hàng này, nhằm bảo vệ tài nguyên và đảm bảo an ninh quốc gia.

Hiện nay, 17 nguyên tố đất hiếm đang hiện diện trong nhiều lĩnh vực công nghệ và quốc phòng, từ động cơ ô tô điện đến cảm biến, pin nhiên liệu. Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát không chỉ tác động tới thị trường, mà còn khiến các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc phải đánh giá lại chiến lược an ninh công nghiệp của mình.

>>Trung Quốc cáo buộc gián điệp nước ngoài ăn cắp đất hiếm, trung chuyển qua nước thứ ba