Chấn động thị trường xe điện Trung Quốc: Nghi vấn loạt hãng ô tô 'xào nấu' số liệu, bán được 50.000 xe nhưng khai khống doanh số lên hơn 100.000 xe

Một cuộc điều tra độc quyền do hãng tin Reuters (Anh) thực hiện đã vạch trần thủ thuật gian lận doanh số đang diễn ra tại nhiều hãng xe điện Trung Quốc. Cụ thể, các hãng đã ghi nhận xe là “đã bán” ngay từ khi mua bảo hiểm, dù trên thực tế xe vẫn chưa được giao tới tay người tiêu dùng. Thủ thuật này giúp họ đạt chỉ tiêu doanh số tháng hoặc quý, dù lượng tiêu thụ thực sự không tương xứng.

Reuters cho biết, hãng xe điện Neta đã sử dụng phương pháp trên đối với ít nhất 64.719 xe trong giai đoạn từ tháng 1/2023 đến tháng 3/2024. Con số này chiếm hơn một nửa trong tổng số 117.000 xe mà Neta công bố đã bán ra. Các dữ liệu mà Reuters thu thập được đến từ hồ sơ bảo hiểm, thông tin đại lý và lời kể của người tiêu dùng.

Không chỉ Neta, thương hiệu Zeekr – dòng xe cao cấp thuộc tập đoàn Geely cũng bị cáo buộc áp dụng chiêu tương tự vào cuối năm 2024. Zeekr được cho là đã phối hợp với đại lý Xiamen C&D tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, để đăng ký bảo hiểm và chuyển quyền sở hữu các xe mới cho hai công ty con, nhằm hoàn tất mục tiêu doanh số trước thời điểm chốt năm tài chính.

Chấn động thị trường xe điện Trung Quốc: Nghi vấn loạt hãng ô tô 'xào nấu' số liệu, bán được 50.000 xe nhưng khai khống doanh số lên hơn 100.000 xe
Xe điện Zeekr 001 tại triển lãm ôtô Thượng Hải 2024.

>>Vì sao Trung Quốc lên kế hoạch cấm bán xe ô tô trong 6 tháng sau đăng ký?

Theo phản ánh từ nhiều đại lý và khách hàng, các xe này dù đã được ghi nhận là “đã bán”, nhưng thực tế vẫn nằm trong kho hoặc chưa lăn bánh. Trong ngành, tình trạng này được gọi là “xe đã qua sử dụng nhưng chưa chạy” (zero-mileage used cars), tức xe được đăng ký và bảo hiểm nhưng chưa bao giờ được sử dụng thực tế.

Nguồn tin từ các đại lý tiết lộ Neta bắt đầu áp dụng cách làm này từ cuối năm 2022 nhằm tranh thủ các khoản trợ cấp xe điện sắp hết hạn. Nhờ chiến lược đó, năm 2022, hãng ghi nhận mức doanh số kỷ lục 152.000 xe. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, con số sụt giảm mạnh còn 87.948 xe, trong đó hơn 23.000 xe là xuất khẩu. Quý I/2025, Neta chỉ bán được 1.215 xe. Nhiều xe “0km” vẫn đang nằm trong kho chờ người mua.

Một đại lý cho biết: “Hãng quy định xe có bảo hiểm là được tính là đã bán. Khi giao xe, chúng tôi giải thích với khách rằng bảo hiểm là quà tặng, nhưng đã có hiệu lực từ trước”. Tuy nhiên, theo Reuters, nhiều khách hàng phản ánh họ không hề được thông báo điều này và chỉ phát hiện khi bảo hiểm hết hạn sớm hơn dự kiến.

Các tài liệu mà Reuters tiếp cận cho thấy Neta mua bảo hiểm cho xe ngay khi rời nhà máy, trước khi chuyển tới đại lý. Hồ sơ còn ghi rõ thông tin xe, hợp đồng bảo hiểm và tên nhân viên đại lý phụ trách. Khi xe đến tay khách thực sự, đại lý sẽ làm thủ tục chuyển nhượng bảo hiểm.

Zeekr, hiện đang trong quá trình tư nhân hóa dưới sự kiểm soát của Geely, cũng bị cáo buộc thực hiện chiêu tương tự. Theo các nguồn tin trong ngành, Xiamen C&D đã mua bảo hiểm và đăng ký hàng loạt xe dưới tên hai công ty con trong tháng 12/2024. Những xe này sau đó được bán lại cho khách hàng tại các thành phố như Bắc Kinh, Trùng Khánh…

Chấn động thị trường xe điện Trung Quốc: Nghi vấn loạt hãng ô tô 'xào nấu' số liệu, bán được 50.000 xe nhưng khai khống doanh số lên hơn 100.000 xe
Một chiếc ô tô Neta U tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Bắc Kinh năm 2020.

Một khách hàng Zeekr cho biết: “Nhân viên đại lý nói nếu mua xe đã có bảo hiểm thì được giảm giá 3.000 nhân dân tệ và được tặng thêm phiếu sạc trị giá 10.000 tệ”. Báo China Securities Journal xác nhận phần lớn khách hàng được phỏng vấn đều cho biết bảo hiểm xe của họ do Xiamen C&D hoặc công ty con mua trước đó.

Theo Hiệp hội Các nhà kinh doanh ôtô Trung Quốc, tháng 12/2024, Zeekr bán 2.737 xe tại Hạ Môn, trong đó chỉ có 257 xe được bán cho khách hàng cá nhân, còn lại hơn 2.500 xe bán cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan đăng kiểm địa phương chỉ ghi nhận 271 xe được cấp biển số, cho thấy phần lớn vẫn chưa được giao thực tế.

Trước tình trạng này, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đang xem xét ban hành quy định mới: cấm bán lại xe mới đăng ký trong vòng 6 tháng kể từ ngày đăng ký. Biện pháp này nhằm ngăn chặn chiêu trò "thổi phồng doanh số" và thao túng dữ liệu bảo hiểm – cấp phép.

Thủ thuật “xe cũ 0km” là kết quả tất yếu từ cuộc cạnh tranh dữ dội trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh dư thừa sản lượng và cuộc chiến giảm giá kéo dài nhiều năm, các hãng buộc phải tìm mọi cách để đạt chỉ tiêu nội bộ, giữ vị thế trên bảng xếp hạng và tạo ấn tượng với nhà đầu tư.

Trước áp lực dư luận, chính quyền Trung Quốc đã cam kết sẽ siết chặt giám sát thị trường. Theo Auto Review, các hãng xe lớn như BYD hay Chery đang cân nhắc xử phạt đại lý nếu phát hiện hành vi đăng ký xe trước khi bán. Nếu được thực thi, đây sẽ là hành động cứng rắn đầu tiên của chính phủ nhằm dẹp bỏ tình trạng “bán ảo – báo cáo thật”, vốn đã trở thành vấn đề nhức nhối trên toàn quốc.

>>Hàng xóm của Việt Nam: Giàu bậc nhất Đông Nam Á nhưng người dân chưa mấy 'mặn mà' với xe điện