NIS trước nguy cơ tê liệt vì bị chặn giao dịch
Ngành năng lượng Serbia đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng khi các ngân hàng nước ngoài dự kiến đóng tài khoản của Công ty Dầu mỏ Serbia (NIS) từ ngày 24/2. Động thái này xuất phát từ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các thực thể liên quan đến ngành năng lượng Nga, trong đó Gazprom Neft sở hữu 51% cổ phần của NIS.
Việc đóng băng tài khoản có thể khiến NIS, công ty kiểm soát khoảng 80% thị trường dầu mỏ phái sinh và vận hành hơn 400 trạm xăng trên khắp Serbia, phải ngừng hoạt động. Điều này đặt ra mối đe dọa lớn đối với nguồn cung nhiên liệu của quốc gia Balkan này.
Theo tạp chí Nova Ekonomija, các ngân hàng nước ngoài sẽ ngừng giao dịch với NIS trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực vào ngày 28/2. Một nguồn tin cho biết: "Khi tài khoản bị đóng, công ty sẽ không thể tiếp tục hoạt động. Ngay cả khi tìm cách lách lệnh trừng phạt, cũng không có cách nào để thanh toán cho NIS".
Trước tình hình này, NIS đã trả lương trước cho nhân viên vào ngày 19/2 nhằm đối phó với các vấn đề thanh khoản có thể xảy ra. Đồng thời, các trạm xăng của NIS có thể chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ nội địa Dina, do các dịch vụ thanh toán quốc tế như Visa và MasterCard có thể ngừng hỗ trợ.
Để giảm thiểu tác động, các công ty dầu mỏ khác như MOL của Hungary đã cam kết tăng cường cung cấp nhiên liệu cho Serbia. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những biện pháp này có thể không đủ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng trên diện rộng.
Chính phủ Serbia đang xem xét nhiều giải pháp, bao gồm việc mua lại cổ phần của Gazprom trong NIS hoặc bán công ty cho bên thứ ba. Tuy nhiên, việc quốc hữu hóa có thể gây căng thẳng trong quan hệ với Nga, đặc biệt khi hai nước đang chuẩn bị đàm phán gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt vào tháng 3 tới.
Tình hình hiện tại đặt ra thách thức lớn cho Serbia trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và duy trì hoạt động của NIS trong bối cảnh áp lực từ các lệnh trừng phạt quốc tế.
![]() |
Gazprom Neft sở hữu 51% cổ phần của NIS. (Ảnh: Reuters) |
>> Mỹ 'tung đòn' cấm vận mạnh chưa từng có lên 400 đối tượng, Nga tuyên bố rắn 'sẽ đáp trả'
Gazprom Neft – Bóng dáng tập đoàn khổng lồ một thời của Nga
NIS rơi vào tình thế này do Gazprom Neft, công ty mẹ của họ, bị lệnh trừng phạt từ Mỹ. Đáng chú ý, Gazprom Neft là công ty con của Tập đoàn Gazprom – một trong những doanh nghiệp từng giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế Nga.
Từng được mệnh danh là “ngân sách thứ hai” của Nga, Gazprom từng là tập đoàn khí đốt khổng lồ, kiểm soát khoảng 20% trữ lượng khí đốt thế giới và đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Moscow. Trong suốt nhiều thập kỷ, Gazprom là một công cụ quyền lực của Điện Kremlin, giúp Nga gây áp lực lên các nước châu Âu bằng cách kiểm soát nguồn cung năng lượng. Trước năm 2022, Gazprom chiếm tới 75% doanh thu khí đốt của Nga từ thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, Gazprom đã đánh mất thị trường chủ chốt này. Động thái cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu năm 2021-2022 được xem là con dao hai lưỡi – dù ban đầu giúp Nga thu lợi nhuận khổng lồ nhờ giá khí đốt tăng vọt, nhưng về lâu dài lại khiến Moscow mất đi khách hàng lớn nhất. Đến năm 2023, thị phần của Gazprom tại châu Âu chỉ còn khoảng 8%, và tập đoàn này báo lỗ 7 tỷ USD, mức thua lỗ đầu tiên trong 25 năm qua.
Gazprom đã cố gắng xoay chuyển tình thế bằng cách mở rộng thị trường tại Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không thể thay thế hoàn toàn châu Âu do nhu cầu tiêu thụ thấp hơn và điều kiện đàm phán giá cả nghiêm ngặt. Công ty hiện đang tìm cách chuyển hướng sang thị trường nội địa, đồng thời dựa vào mảng dầu mỏ của Gazprom Neft và khí hóa lỏng (LNG) để duy trì doanh thu.
>> Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Moldova: Điểm nóng năng lượng mới tại châu Âu