TS. Cấn Văn Lực: Chính sách tiền tệ 2025 cần linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng

Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đồng thời là Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, để nghe ông chia sẻ những nhận định sắc bén và chiến lược ứng phó trong năm 2025.

TS. Cấn Văn Lực: Chính sách tiền tệ 2025 cần linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng
TS. Cấn Văn Lực là Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, đồng thời là Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, ông được đánh giá cao trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và kinh tế vĩ mô.

PV: Trước áp lực từ sự tăng giá của đồng USD và những thách thức trong các tài khoản của cán cân thanh toán quốc tế (BoP), ông đánh giá như thế nào về xu hướng tỷ giá USD/VND trong năm 2025? Theo ông, các công cụ hiện tại của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liệu có đủ để giảm áp lực tỷ giá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động?

TS. Cấn Văn Lực: Trước tiên, cần khẳng định rằng năm 2024 là một năm Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt được nhiều thành công quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, cơ bản đạt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024. Những kết quả đạt được đã tạo nền tảng tích cực để ứng phó với các áp lực kinh tế và tài chính trong năm 2025.

Trong năm 2024, tỷ giá hối đoái USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 5%, trong khi tỷ giá trung tâm tăng 1,96% so với cuối năm 2023. Sự tăng trưởng này chịu ảnh hưởng từ các yếu tố quốc tế và trong nước. Trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 6,6% trong năm, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD.

TS. Cấn Văn Lực: Chính sách tiền tệ 2025 cần linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng
Diễn biến Chỉ số US Dollar Index (DXY) năm 2024. Nguồn: Trading Economics, tổng hợp: Thanh Liêm.

Điều này đến từ các chính sách dự kiến của Tổng thống đắc cử Donald Trump, bao gồm bảo hộ thương mại, tăng thuế nhập khẩu, kích cầu đầu tư nội địa và cắt giảm thuế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đồng thời, áp lực lạm phát tại Mỹ tăng nhẹ, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, chỉ hạ lãi suất 3 lần với tổng mức giảm 1 điểm phần trăm trong năm 2024.

TS. Cấn Văn Lực: Chính sách tiền tệ 2025 cần linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng

Diễn biến tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng năm 2024. Nguồn: NHNN, tổng hợp: Thanh Liêm.

Trong nước, chênh lệch lãi suất ngắn hạn giữa đồng VND và USD duy trì ở mức âm trong hầu hết thời gian của năm 2024, ngoại trừ sự cải thiện nhỏ vào cuối năm (từ -3,8%/năm vào tháng 12/2023 lên 0,2% vào tháng 12/2024, kỳ hạn 1 tháng). Tuy nhiên, thị trường ngoại hối vẫn duy trì thanh khoản ổn định nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Cụ thể, thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục 24,8 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 25,35 tỷ USD; kiều hối tăng 5% lên mức 14,7 tỷ USD; và lượng khách quốc tế tăng 39,5% so với năm 2023. NHNN cũng đã chủ động bán ra 8-10 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để can thiệp khi đồng USD tăng giá mạnh, đồng thời sử dụng các công cụ khác nhằm bình ổn tỷ giá.

Bước sang năm 2025, dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng trong khoảng 3-4%, nhưng áp lực tăng tỷ giá dự kiến giảm dần so với năm 2024. Sự cải thiện này có thể được lý giải bởi các yếu tố kinh tế cơ bản. Thứ nhất, cán cân vãng lai dự báo thặng dư khoảng 2% GDP, tương đương trên 10 tỷ USD, nhờ xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và nguồn vốn FDI giải ngân ổn định. Thứ hai, cán cân tài chính cũng được kỳ vọng cải thiện khi Fed tiếp tục giảm lãi suất chính sách, dù mức độ giảm không lớn (dự kiến hạ thêm 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang về mức 3,75-4%). Chênh lệch lãi suất USD-VND có thể không còn giảm mạnh, nhưng khả năng duy trì ở mức dương sẽ hỗ trợ sức hấp dẫn của đồng nội tệ.

Tuy nhiên, sự biến động của tỷ giá vẫn có thể xảy ra tại một số thời điểm khi chỉ số DXY tăng cao hoặc xuất hiện các yếu tố bất định từ thị trường tài chính toàn cầu. Với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam dễ bị tác động bởi các cú sốc bên ngoài, đặc biệt là lượng ngoại tệ ra - vào nền kinh tế trong khoảng thời gian ngắn là khá lớn.

Trong bối cảnh đó, NHNN có đủ kinh nghiệm và công cụ để duy trì ổn định tỷ giá, bao gồm các biện pháp điều hành linh hoạt, sử dụng dự trữ ngoại hối, kết hợp với điều chỉnh chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác như đã được đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2025.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cần điều chỉnh lãi suất điều hành như thế nào để đảm bảo cân đối thanh khoản hệ thống ngân hàng, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng GDP?

TS. Cấn Văn Lực: Trong năm 2025, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những kỳ vọng lạc quan về tăng trưởng GDP, với mục tiêu đặt ra tối thiểu 8% theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, NHNN đóng vai trò chủ đạo trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và duy trì thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Hiện tại, mức lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu 3,0%/năm đã được điều chỉnh về mức thấp nhất trong nhiều năm qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, trong năm 2025, dư địa để tiếp tục giảm lãi suất điều hành là rất hạn chế, do các áp lực kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá hối đoái và dòng vốn quốc tế.

TS. Cấn Văn Lực: Chính sách tiền tệ 2025 cần linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng
Diễn biến Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giai đoạn từ năm 2010 đến nay. Nguồn: NHNN, tổng hợp: Thanh Liêm.

Thứ nhất, lạm phát trong năm 2025 dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp hơn mức trần mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đề ra, nhờ kiểm soát tốt giá cả hàng hóa cơ bản và các chính sách ổn định giá. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn tồn tại do tác động từ việc tăng giá năng lượng, thực phẩm và dịch vụ. Đặc biệt, sự điều chỉnh giá của một số mặt hàng thiết yếu như điện, nước có thể làm tăng chi phí sản xuất và gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Thứ hai, tỷ giá USD/VND trong năm 2025 được dự báo tăng khoảng 3-4%, thấp hơn so với mức tăng 5% của năm 2024, nhờ vào các yếu tố tích cực như thặng dư cán cân vãng lai và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy mạnh vào nền kinh tế. Tuy nhiên, áp lực từ biến động thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có thể tạo ra các biến động ngắn hạn. Fed dự kiến hạ lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2025, nhưng lộ trình giảm có thể chậm hơn do áp lực lạm phát tại Mỹ vẫn cao.

Thứ ba, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng định hướng đạt khoảng 16% trong năm 2025. Điều này đòi hỏi NHNN phải tiếp tục kiểm soát chất lượng tín dụng, tránh các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản và chứng khoán, đồng thời ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, năng lượng tái tạo và các ngành xuất khẩu giá trị cao.

Trong bối cảnh đó, NHNN sẽ ưu tiên duy trì mức lãi suất điều hành ổn định, không thay đổi so với năm 2024, đồng thời sử dụng linh hoạt các công cụ như nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để điều tiết thanh khoản ngắn hạn và giảm thiểu các cú sốc bất thường. Việc duy trì sự ổn định của lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu là cần thiết để giữ vững niềm tin của thị trường và hỗ trợ hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong khi vẫn đảm bảo sự cân đối giữa cung cầu vốn.

PV: Trần lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc được xem là công cụ quan trọng trong việc điều tiết lãi suất thị trường và kiểm soát tổng phương tiện thanh toán (M2). Theo ông, trong bối cảnh cần cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng và kiểm soát lạm phát, các mức lãi suất này nên được điều chỉnh như thế nào để đảm bảo thanh khoản và nâng cao chất lượng tín dụng?

TS. Cấn Văn Lực: Về trần lãi suất, NHNN đã ban hành Quyết định số 2410/QĐ-NHNN ngày 1/11/2024 và Quyết định số 2411/QĐ-NHNN ngày 1/11/2024 quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD và VND theo Thông tư số 46/2024/TT-NHNN và Thông tư số 48/2024/TT-NHNN. Cụ thể, lãi suất tối đa đối với tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân tiếp tục duy trì ở mức 0%/năm. Chính sách này được áp dụng liên tục từ năm 2015 nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch.

Đối với tiền gửi bằng VND, NHNN quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm, từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm, giữ nguyên so với năm 2024. Các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên vẫn theo cơ chế thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, dựa trên cung cầu của thị trường. Chính sách trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn này góp phần ổn định mặt bằng lãi suất ngắn hạn, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư dài hạn.

Tôi hiểu rằng, trong thời gian tới NHNN dự kiến tiếp tục duy trì chính sách này, nhưng sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường tài chính quốc tế và nội địa để điều chỉnh linh hoạt nếu cần thiết, tiến tới cơ chế thị trường hơn nữa.

Về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHNN hiện quy định mức 0% đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô, áp dụng cho mọi kỳ hạn và loại tiền gửi. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) khác, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 3% đối với tiền gửi VND có kỳ hạn dưới 12 tháng và 1% đối với tiền gửi VND có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ cao hơn, dao động từ 5% đến 8% tùy theo kỳ hạn, ngoại trừ tiền gửi của các TCTD nước ngoài, áp dụng tỷ lệ 1%.

TS. Cấn Văn Lực: Chính sách tiền tệ 2025 cần linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng theo Quyết định số 1158/QĐ-NHNN ngày 29/05/2018. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND hiện ở mức tương đối thấp so với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các TCTD có dư địa vốn để cung ứng tín dụng. Tuy nhiên, với mức dự trữ bắt buộc hiện tại, dư địa giảm thêm gần như không còn, đặc biệt đối với tiền gửi VND. Đối với tiền gửi bằng USD, tỷ trọng này hiện chỉ chiếm khoảng 6% tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng, cho thấy tình trạng đô la hóa đã được kiểm soát tốt. Vì vậy, NHNN không nhất thiết phải điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ trong thời gian tới, nhằm duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối.

Nhìn chung, tỷ lệ dự trữ bắt buộc không phải là công cụ được NHNN sử dụng thường xuyên trong những năm qua và xu hướng này có thể tiếp tục trong tương lai. NHNN sẽ ưu tiên sử dụng các công cụ linh hoạt hơn để điều tiết thanh khoản ngắn hạn và hỗ trợ các TCTD trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.

PV: Thưa ông, mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) năm 2025 nên được điều chỉnh ra sao để đảm bảo tăng trưởng GDP, ổn định lưu thông tiền mặt và kiểm soát lạm phát? Theo ông, NHNN cần sử dụng các công cụ như nghiệp vụ thị trường mở (OMO), tỷ lệ dự trữ bắt buộc và điều chỉnh cơ cấu tài sản của NHTM thế nào để tối ưu hóa bảng cân đối tiền tệ toàn ngành?

TS. Cấn Văn Lực: Năm 2025, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với mục tiêu GDP tăng ít nhất 8% theo kịch bản cơ sở, trong khi lạm phát duy trì trong khoảng 4-4,5%. Để đạt được các mục tiêu này, mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) dự kiến cần được điều chỉnh tăng khoảng 13-14%, cao hơn mức tăng 10,5% của năm 2024. Việc mở rộng M2 với tốc độ này sẽ góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, đảm bảo nguồn vốn lưu thông phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời kiểm soát hiệu quả áp lực lạm phát trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế tiếp tục gia tăng.

Để triển khai hiệu quả, NHNN cần tiếp tục điều hành linh hoạt và chủ động các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó nghiệp vụ thị trường mở (OMO) đóng vai trò quan trọng. NHNN nên bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là các yếu tố như chỉ số US Dollar Index (DXY), lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dòng vốn quốc tế. Thông qua OMO, NHNN có thể linh hoạt bơm hoặc hút thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng tùy thuộc vào tình hình thanh khoản và biến động tỷ giá. Việc duy trì lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý sẽ không chỉ hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho các ngân hàng thương mại mà còn góp phần ổn định tỷ giá hối đoái, từ đó kiềm chế áp lực lạm phát nhập khẩu trong bối cảnh Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, lượng ngoại tệ ra - vào nền kinh tế trong khoảng thời gian ngắn là khá lớn.

Về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đây là công cụ mang tính định hướng mạnh mẽ trong điều hành chính sách tiền tệ nhưng chưa cần thiết phải điều chỉnh thay đổi trong bối cảnh hiện nay. Với tỷ lệ hiện hành, dư địa để giảm thêm gần như không còn. Do đó, NHNN có thể duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện tại trong năm 2025, tập trung sử dụng các công cụ khác để điều tiết thanh khoản, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình trạng đô la hóa và ổn định thị trường ngoại hối.

Về cơ cấu tài sản của các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN đóng vai trò giám sát, định hướng và đảm bảo an toàn hệ thống hơn là can thiệp trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh. NHNN cần tiếp tục thực hiện giám sát rủi ro đối với danh mục tín dụng và đầu tư của các TCTD, đảm bảo chất lượng tài sản, kiểm soát nợ xấu và nâng cao năng lực thanh khoản. Trong năm 2025, các NHTM sẽ cần chú trọng cơ cấu lại danh mục tín dụng, ưu tiên vốn cho các ngành kinh tế thực, đặc biệt là sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và xuất khẩu giá trị gia tăng cao, thay vì tập trung vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và chứng khoán.

PV: Với mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% trong năm 2025, mức dư nợ và tăng trưởng tín dụng nên được điều chỉnh ra sao để cân bằng giữa nhu cầu vốn và an toàn tài chính vĩ mô? Đâu là những lĩnh vực cần ưu tiên tín dụng để tối ưu hiệu quả vốn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và giảm rủi ro hệ thống?

TS. Cấn Văn Lực: Theo tính toán và phân tích của tôi, năm 2024 vốn tín dụng chiếm khoảng 54,6% tổng nguồn vốn cung ứng, mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Điều này khẳng định tầm quan trọng của tín dụng ngân hàng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thể thay thế hoàn toàn vai trò của tín dụng ngân hàng trong ngắn hạn.

Với giả định các nguồn vốn khác (từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, giải ngân đầu tư công, vốn FDI và vốn của khu vực tư nhân) tăng trưởng tương đương tốc độ tăng bình quân của 5 năm gần đây và tăng trưởng tín dụng ở mức 15-16% (sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của NHNN) thì vốn tín dụng cuối năm 2025 ước tính chiếm khoảng 55% tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế. Trong bối cảnh thị trường vốn chưa thể có bước đột phá ngay trong năm 2025, việc duy trì cơ cấu vốn tín dụng như trên sẽ là lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng mà không gây áp lực lên hệ thống ngân hàng, NHNN cần tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng tín dụng, tăng cường kiểm soát rủi ro, đồng thời thúc đẩy các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế.

Về các lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng, NHNN đã có định hướng rõ ràng và cụ thể. Trước hết, các lĩnh vực gắn với động lực tăng trưởng truyền thống như xuất nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng cần tiếp tục được hỗ trợ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo cũng cần được ưu tiên để phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, các lĩnh vực ưu tiên khác như nông nghiệp – nông thôn, sản xuất và kinh doanh xuất khẩu, nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và công nghiệp hỗ trợ cần tiếp tục nhận được sự chú trọng, đúng với định hướng mà NHNN đã đề ra.

Riêng lĩnh vực bất động sản, NHNN đã có những chính sách điều chỉnh phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro và khuyến khích vốn tín dụng hướng đến các phân khúc có tính bền vững cao hơn. Cụ thể, theo Thông tư 22/2023/TT-NHNN, hệ số rủi ro đối với cho vay nhà ở và khu công nghiệp đã được giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án có tiềm năng phát triển tốt. Đồng thời, các chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và xuất khẩu nông – thủy sản cũng được triển khai nhằm thúc đẩy các lĩnh vực có tác động lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

PV: Trước áp lực cạnh tranh thu hút vốn và yêu cầu tuân thủ Basel III, ông đánh giá thế nào về khả năng điều chỉnh lãi suất huy động của các NHTM trong năm 2025? Theo ông, các ngân hàng cần làm gì để cân đối giữa tỷ lệ an toàn vốn (CAR), hệ số thanh khoản (LCR) và nguồn vốn ổn định ròng (NSFR)?

TS. Cấn Văn Lực: Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, cao hơn mức 15,08% của năm 2024 và trung bình 14% trong 5 năm gần đây. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng này, áp lực huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) là rất lớn, đặc biệt khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và khởi nghiệp tiếp tục hấp dẫn dòng vốn từ dân cư và doanh nghiệp. Điều này có thể khiến các NHTM phải điều chỉnh lãi suất huy động, dự báo sẽ tăng khoảng 0,3-0,7%/năm so với cuối năm 2024 để cạnh tranh thu hút vốn, đảm bảo thanh khoản và duy trì hoạt động tín dụng ổn định.

Hiện tại, NHNN đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, với nội dung cập nhật theo chuẩn mực Basel III năm 2017. Một điểm nổi bật là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) được nâng dần lên 10,5% vào năm 2033 so với mức 8% hiện tại. Đồng thời, các NHTM cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn khác của Basel III, như hệ số thanh khoản (LCR) và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR), đòi hỏi họ phải có chiến lược quản lý vốn và thanh khoản tổng thể nhằm cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng và các tiêu chuẩn an toàn vốn.

Để cân đối giữa giữa tỷ lệ an toàn vốn (CAR), hệ số thanh khoản (LCR) và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR), các NHTM cần tập trung vào các chiến lược quản lý vốn và thanh khoản tổng thể. Thứ nhất, tăng vốn chủ sở hữu là yêu cầu cấp thiết, điều này không chỉ nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn mà còn tăng khả năng hấp thụ rủi ro trong hoạt động tín dụng. Thứ hai, tối ưu hóa tài sản có rủi ro (RWA) bằng cách đa dạng hóa danh mục tín dụng và tập trung vào các khách hàng có mức độ rủi ro thấp. Việc này giúp giảm áp lực lên vốn chủ sở hữu, đồng thời cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Thứ ba, các NHTM cần tăng cường huy động nguồn vốn ổn định dài hạn để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn NSFR. Thứ tư, tiết giảm chi phí hoạt động thông qua tiến trình chuyển đổi số và tinh giản quy trình là yếu tố quan trọng để duy trì sức cạnh tranh. Thứ năm, xử lý nợ xấu là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo chất lượng tài sản và sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

PV: Theo ông, lãi suất cho vay năm 2025 nên được điều chỉnh như thế nào để vừa hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, vừa kiểm soát hiệu quả rủi ro nợ xấu (NPL), đồng thời tối ưu hóa sử dụng vốn trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ?

TS. Cấn Văn Lực: Mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam đã giảm liên tục trong hai năm qua. Theo NHNN, lãi suất cho vay bình quân của các NHTM tại thời điểm cuối năm 2024 đã giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2023. Nguyên nhân chính đến từ các yếu tố như thanh khoản hệ thống ổn định, với NHNN đã bơm ròng 35 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở trong năm 2024, giúp duy trì lãi suất qua đêm ở mức 3,6%/năm, chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng bám sát các chỉ tiêu đặt ra và lạm phát được kiểm soát tốt đã tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất ổn định, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, lãi suất huy động có xu hướng tăng trong năm 2024 và dự kiến có thể tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2025, như đã đề cập trong các phân tích trước. Điều này tạo áp lực lớn lên các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý để kích cầu tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo các TCTD không tăng mạnh lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Do đó, mức lãi suất cho vay trong năm 2025 cần được duy trì ở mức ổn định, với biên độ điều chỉnh linh hoạt tùy thuộc vào diễn biến thanh khoản, lạm phát và nhu cầu vốn của các lĩnh vực ưu tiên. Việc giữ mặt bằng lãi suất hợp lý là cần thiết để hỗ trợ các lĩnh vực động lực tăng trưởng như nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, cùng với các ngành kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Điều này đồng thời giúp duy trì tính cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Một thách thức quan trọng là việc chênh lệch lãi suất ròng (NIM) giữa lãi suất cho vay và huy động dự kiến sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong năm 2025, đặt ra yêu cầu các TCTD phải có chiến lược quản lý vốn hiệu quả. Để tối ưu hóa chi phí vốn, các TCTD cần đẩy mạnh huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thông qua việc triển khai các sản phẩm tiền gửi hấp dẫn, kết hợp với việc tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút khách hàng. Đồng thời, việc giảm chi phí hoạt động thông qua việc tinh giản quy trình và cải thiện năng suất lao động cũng là một giải pháp quan trọng để bảo toàn biên lãi ròng.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát rủi ro nợ xấu (NPL) là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng tín dụng và sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành hiện ở mức khoảng 2% vào cuối năm 2024 và các TCTD cần tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt để xử lý nợ xấu, như đôn đốc thu hồi nợ, rà soát và xử lý tài sản bảo đảm, cũng như sử dụng hiệu quả quỹ dự phòng rủi ro.

Trân trọng cảm ơn TS. Cấn Văn Lực đã dành thời gian chia sẻ những phân tích sâu sắc và giải pháp hữu ích cho chính sách tiền tệ năm 2025. Những góc nhìn của ông không chỉ mang lại nhiều giá trị thiết thực mà còn tiếp thêm động lực để hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.