Năm 2025 số vụ lừa đảo lấy tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ giảm?

Những vụ lừa đảo cảnh tỉnh nhiều người

Năm 2024 chứng kiến nhiều vụ mất tiền, vụ kiện gây rúng động dư luận xã hội. Điển hình như việc một tiến sĩ ngân hàng bị lừa mất hơn 400 triệu đồng trong tài khoản, một nữ doanh nhân bị lừa mất hàng chục tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng mở tại hai nhà băng lớn.

Đây là bài học trong việc nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Qua đó cho thấy, bất cứ ai cũng có thể bị lừa mất tiền nếu không tuân thủ các quy định về an toàn liên quan đến tài khoản.

Với vụ việc một tiến sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng bị mất hơn 400 triệu đồng, sau đó ông đã làm đơn trình báo Công an quận Thanh Xuân nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Trước đó, vị tiến sĩ này nhận được cuộc gọi từ một đối tượng giả danh công an, yêu cầu ông nhiều lần chuyển tiền đến tài khoản do đối tượng cung cấp. Số tiền này đã “một đi không trở lại”.

Bình luận về sự việc, TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay: “Ngay cả một người là tiến sĩ ngân hàng cũng có thể bị lừa bởi những kiến thức rất sơ đẳng”.

Trong số hàng loạt vụ lừa đảo lớn nhỏ diễn ra thời gian qua, nổi bật là vụ lừa đảo mà nạn nhân là nữ doanh nhân Trần Thị Chúc (SN 1974, trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh).

Theo bà Chúc, ngày 22/4/2022, bà nhận được cuộc điện thoại của một người giới thiệu là cán bộ điều tra Công an TP Đà Nẵng thông báo kết quả điều tra vụ án hình sự và gửi bà xem lệnh bắt giữ khẩn cấp do có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy.

Người này chỉ định bà Chúc mở một tài khoản tại Vietcombank và một tài khoản tại Techcombank, sau đó chuyển số tiền 40 tỷ đồng chia đều vào hai tài khoản để chứng minh không liên quan đến đường dây tội phạm, đồng thời dặn bà Chúc đến ngày 25/4/2022 sẽ được mở phong tỏa và ra ngân hàng rút tiền về.

Ngày 22-23/4/2022, bà Chúc đã đến Vietcombank Chi nhánh Kinh Bắc và Techcombank Chi nhánh Từ Sơn để mở hai tài khoản mới; đồng thời vay mượn bạn bè, khách hàng, huy động tiền từ người thân chuyển 11,9 tỷ đồng vào Vietcombank và 14,6 tỷ vào Techcombank.

Báo cáo lừa đảo.pngNguồn: https://chongluadao.vn/

Tuy nhiên, sáng 25/4/2022, khi bà Chúc đến Vietcombank Chi nhánh Kinh Bắc và Techcombank Chi nhánh Từ Sơn để làm thủ tục rút tiền, nhân viên hai nhà băng này thông báo tài khoản của bà hết nhẵn, trong khi bà không thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền trực tiếp hay gián tiếp nào.

Cả hai phiên tòa sơ thẩm (do TAND huyện Từ Sơn xét xử tháng 3/2024) và phúc thẩm (do TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử (tháng 7/2024), HĐXX đều bác yêu cầu của bà Chúc về việc hai ngân hàng phải bồi thường cho bà số tiền trên.

Đại diện Vietcombank và Techcombank đều khẳng định các cán bộ, nhân viên của ngân hàng đã tuân thủ đầy đủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về nghiệp vụ chuyên môn khi tư vấn thủ tục và lập hồ sơ mở tài khoản, cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Phía ngân hàng không có lỗi trong việc bà Chúc bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản mở tại ngân hàng nên không chấp nhận bồi thường thiệt hại cho bà Chúc.

Trao đổi với VietNamNet, giám đốc khối ngân hàng bán lẻ của một ngân hàng thương mại lớn cho rằng, kết quả vụ kiện không chỉ là “chiến thắng” của Vietcombank và Techcombank mà còn của toàn ngành ngân hàng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mới.

Những thay đổi nhằm ngăn chặn lừa đảo

Năm 2024 có nhiều sự thay đổi về thể chế, chính sách mới trong lĩnh vực thanh toán như Nghị định 52/2024/NĐ-CP, Thông tư 17, 18 và các thông tư liên quan về thanh toán không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2024, các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đã triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 và Thông tư 50 của Thống đốc NHNN.

Đây là những thay đổi căn cơ và là nền tảng nhằm tăng cường an ninh an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến , giúp hệ thống thanh toán Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Theo ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến 6/1, 84,7 triệu khách hàng cá nhân đã được đối chiếu xác thực sinh trắc học , chiếm trên 72% tổng số lượng khách hàng phát sinh giao dịch trên kênh số.

Một số ngân hàng đạt tỷ lệ khách hàng đăng ký sinh trắc học rất cao. Tại VietinBank và BIDV, tỷ lệ này là 83%, Vietcombank là 92% và Agribank là 66%.

Ông Tuyên cũng cho biết, tính đến cuối năm 2024, số vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản đã giảm trên 50% kể từ sau khi Quyết định 2345 có hiệu lực từ 1/7/2024.

Đối với Thông tư 17 và Thông tư 18 có hiệu lực từ 1/1/2025, để đáp ứng mốc thời gian này, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực triển khai nhiều phương án truyền thông, hướng dẫn, khuyến khích khách hàng triển khai đối chiếu thông tin sinh trắc học ; đồng thời bố trí, tăng cường nguồn lực, thiết bị phục vụ trực tiếp tại quầy giao dịch để hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học.

“Nhiều ngân hàng bố trí nhân viên làm việc kéo dài trong cả ngày cuối tuần, ngày nghỉ để hỗ trợ việc cập nhật thông tin sinh trắc học tại quầy, đáp ứng lượng khách hàng đến cập nhật thông tin sinh trắc học tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường. Có ngân hàng cam kết tiếp tục tăng cường cho đến hết tháng 1/2025 để phục vụ khách hàng”, ông Lê Văn Tuyên cho hay.

Các ngân hàng như Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV đã mở cửa nhiều điểm giao dịch trong hai ngày cuối tuần để hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học cũng như cập nhật số CCCD mới đến hết 15/1.

Còn tại BaoVietBank, các phòng giao dịch được yêu cầu làm việc xuyên trưa cho đến ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán nhằm hỗ trợ khách hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng liên tục gia tăng cảnh báo tới khách hàng về những phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới. Việc cảnh báo được thực hiện qua nhiều hình thức như: gửi email, đăng tải lên website, fanpage ngân hàng, gửi tin nhắn SMS, tin nhắn qua ứng dụng mobile banking,...

Với những giải pháp trên, cùng với việc người dân nâng cao ý thức cảnh giác, có cơ sở để tin rằng năm 2025 số vụ lừa đảo sẽ giảm.

>> Lừa đảo lì xì online mùa Tết: Tỉnh táo để không bị mất tiền oan