Ngành thép sẽ tăng trưởng mạnh nhất năm 2025
Chứng khoán VPBank (VPBankS), trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2025 công bố ngày 16/12/2024, dự báo thép là ngành có tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất năm 2025, khi giá thép đã giao dịch trong vùng đáy và sản lượng tiêu thụ sẽ được hỗ trợ tại thị trường nội địa. Lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 44,1% so với cùng kỳ.
Theo VPBankS, sau khi hồi phục mạnh vào cuối tháng 9/2024, giá thép xây dựng Việt Nam chỉ còn giảm khoảng 1% trong khi giá HRC giảm 14%, so với thời điểm đầu năm. Giá thép xây dựng Trung Quốc hiện cũng chỉ còn giảm khoảng 7% tính từ đầu năm. Mặt khác, giá nguyên liệu than coke, quặng sắt thậm chí đã điều chỉnh giảm mạnh hơn. Tính từ đầu năm 2024 tới cuối tháng 10, giá quặng sắt hiện đã giảm 28% trong khi giá than coke đã giảm 37,6%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc vẫn đang ở mức yếu.
Vào ngày 24/10/2024, Bộ Công Thương đã có kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép phủ màu và tôn màu của Trung Quốc và Hàn Quốc tại Việt Nam (mã vụ việc ER01.AD04). Theo đó, Bộ Công Thương đã gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng này (từ 24/10/2024 đến 23/10/2029). Tôn mạ màu nhập từ Trung Quốc bị áp thuế 2,53-34,27%, còn Hàn Quốc 4,95-19,25%. VPBankS cho rằng đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp tôn mạ niêm yết, giảm bớt áp lực cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu tại thị trường nội địa.
Trong báo cáo chiến lược năm 2025 phát hành ngày 19/12/2024, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng năm 2025 sự gia tăng nguồn cung nhà ở và đầu tư công sẽ là yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng sản lượng thép; khi các vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản được tháo gỡ bởi các luật mới liên quan và một số dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành...
MBS kỳ vọng việc thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và thép HDG có thể được áp dụng vào năm 2025, giúp thị phần của các nhà sản xuất trong nước có thể cải thiện.
Đơn vị phân tích dự báo thị phần của HPG trong phân khúc HRC có thể đạt 25% nhờ thuế chống bán phá giá áp dụng đối với thép Trung Quốc và Ấn Độ. Về HDG, các công ty chủ chốt như HSG và NKG có thể chiếm gần 40% sản lượng bán ra.
Về cổ phiếu, MBS đánh giá triển vọng với ba mã đầu ngành là HPG, HSG và NKG vì cho rằng hiện 3 cổ phiếu này đang được định giá thấp hơn so với mức trung bình của các chu kỳ trước. MBS dự phóng năm 2025, lợi nhuận ròng của HPG có thể đạt 17.995 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ); HSG đạt 869 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ); NKG đạt 656 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ).
Điểm tựa từ thị trường nội địa
Tại báo cáo "Triển vọng ngành thép năm 2025: Động lực tăng trưởng chính đến từ kênh nội địa" phát hành ngày 31/12/2024, các chuyên gia SSI Research đánh giá thị trường nội địa sẽ trở thành động lực tăng trưởng chủ đạo cho ngành thép Việt Nam, với kỳ vọng tăng trưởng 10%.
Hai yếu tố then chốt hỗ trợ cho dự báo này là sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản - được minh chứng qua số lượng căn hộ mở bán mới tăng gấp đôi năm 2023, cùng việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối nhiệm kỳ 2021-2025.
Đặc biệt, loạt dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam, các tuyến Đông-Tây, và các dự án cảng biển lớn như Cần Giờ (TPHCM) và Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu thép.
SSI Research đánh giá, áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu cũng được kỳ vọng giảm bớt khi Bộ Công Thương đã khởi động các cuộc điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc (tháng 6), cũng như HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ (tháng 7).
Theo SSI Research, kết quả cuối cùng dự kiến được công bố vào giữa năm 2025 và kết quả sơ bộ có thể được công bố trước đó. Điều này có thể giúp giảm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh đó, Hòa Phát (HPG) nổi lên như doanh nghiệp có triển vọng sáng nhất. SSI Research dự báo HPG sẽ tăng trưởng lợi nhuận 28% trong năm 2025, đạt 15.3 ngàn tỷ đồng. Vị thế dẫn đầu thị trường được củng cố khi thị phần thép xây dựng tăng từ 35% lên 38% trong năm 2024. Đặc biệt, việc đưa vào vận hành lò cao đầu tiên tại Dung Quất từ quý 1/2025 sẽ giúp công ty tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường nội địa.
Hoa Sen (HSG) cũng được kỳ vọng cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh với dự báo lợi nhuận tăng 37% lên 700 tỷ đồng trong năm 2025, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp ổn định và sự phục hồi của thị trường nội địa. Trong khi đó, Nam Kimh (NKG) dự kiến có kết quả đi ngang do phụ thuộc nhiều vào kênh xuất khẩu - đang đối mặt nhiều thách thức.