Triệt phá đường dây gen Z 'săn iPhone giá rẻ' lừa đảo hơn 1.000 nạn nhân chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng

Lực lượng Công an tỉnh Điện Biên vừa triệt phá đường dây lừa đảo trên không gian mạng với hình thức dụ nạn nhân "săn mua iPhone giá rẻ", bắt giữ 9 đối tượng. Số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngày 8/2/2025, sau thời gian dài theo dõi, Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an đồng loạt khám xét khẩn cấp bốn địa điểm tại huyện Gia Lâm, quận Nam Từ Liêm, quận Thanh Xuân và quận Đống Đa (Hà Nội), bắt giữ 9 đối tượng do Nguyễn Văn Minh (SN 2000, trú tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cầm đầu.

Tang vật thu giữ gồm 31 điện thoại di động, 170 mô hình điện thoại, một máy tính, sáu xe máy, hai bộ phát WiFi, 47 SIM điện thoại, 21 phôi thẻ SIM, tám kệ xoay dùng để livestream, 15 giá đỡ điện thoại, một máy in, một sổ ghi chép, 17 vỏ hộp điện thoại, ba thẻ ATM và 5,4 triệu đồng tiền mặt.

Triệt phá đường dây gen Z 'săn iPhone giá rẻ' lừa đảo hơn 1.000 nạn nhân chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng
9 đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo qua không gian mạng
Ảnh: Công an tỉnh Điện Biên

>> Bóc trần cơ sở sản xuất 344 tấn cà phê độn đậu nành và vỏ vụn tại Đăk Lăk

Trước đó, vào đầu tháng 6/2024, các tài khoản TikTok, Zalo và Telegram như "thaonguyeniphone", "thuhien69888", "thuhiensaniphone.uytin" liên tục đăng bài viết, video quảng cáo "săn iPhone giá rẻ". Nhận thấy dấu hiệu bất thường, Phòng Cảnh sát Hình sự và Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Điện Biên) xác định đây là đường dây lừa đảo quy mô lớn. Ngày 26/1, chuyên án đấu tranh triệt phá được xác lập.

Nhóm lừa đảo sử dụng tài khoản TikTok, mua lượt quảng cáo để tạo độ tin cậy, sau đó dụ dỗ nạn nhân kết bạn qua Zalo. Khi nạn nhân liên hệ, chúng gửi bảng giá "săn iPhone" với mức giá thấp hơn thị trường, yêu cầu chuyển tiền trước. Sau khi nhận tiền, chúng lập tức chặn liên lạc. Khi không còn khả năng nộp thêm tiền, nạn nhân bị "bỏ rơi". Số tiền lừa đảo được rửa qua các tài khoản ngân hàng rác và chuyển vào hệ thống đánh bạc trực tuyến.

Có khoảng 1.000 nạn nhân trên cả nước bị lừa với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Trung tá Nguyễn Trung Hiếu, Đội trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Điện Biên, cho biết: "Tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng là tài khoản rác. Sau khi nhận tiền, chúng chuyển ngay vào tài khoản đánh bạc trực tuyến rồi rút ra sử dụng."

Các đối tượng bị bắt giữ gồm Nguyễn Văn Minh, Bạch Bảo Hà (SN 2001), Lê Xuân Chuẩn (SN 2002), Đặng Xuân Hinh (SN 2000), Bùi Thành Đạt (SN 2002), Bạch Long Vĩ (SN 1999), Nguyễn Hồng Sơn (SN 2001, cùng trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội), Đoàn Thu Phương Nhung (SN 2002, trú tại TP Nam Định) và Nguyễn Thị Khánh Linh (SN 2005, trú tại Thừa Thiên Huế).

Dù có tuổi đời trẻ, nhóm này có kiến thức công nghệ và kỹ năng xã hội, khiến quá trình điều tra gặp không ít khó khăn. Ban đầu, chúng chối tội, nhưng trước những bằng chứng không thể chối cãi, toàn bộ các đối tượng đã cúi đầu nhận tội.

Công an tỉnh Điện Biên cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt là những lời mời gọi mua hàng giá rẻ, yêu cầu chuyển tiền trước.

>> Cẩn trọng những 'cạm bẫy' sau cơn sốt mang tên Pi Network