Thấy gì từ động thái tăng phí SMS Banking của các ngân hàng?

Vừa có thêm một ngân hàng điều chỉnh phí SMS Banking trong bối cảnh thanh toán không tiền mặt tăng mạnh, lượng tin nhắn SMS phát sinh cũng nhảy vọt.

Eximbank là ngân hàng tiếp theo "nhập cuộc" điều chỉnh tăng phí SMS Banking thông báo biến động số dư tài khoản của khách hàng. Từ ngày 1-3, Eximbank sẽ điều chỉnh chính sách thu phí vượt tin SMS Banking khi khách hàng cá nhân có số lượng trên 20 tin/tháng.

Cụ thể, nếu trong tháng khách hàng nhận trên 20 tin nhắn SMS Banking, ngoài các mức thu phí của dịch vụ SMS Banking, gói Combo… (đã thu đầu kỳ, hàng tháng, hàng quý), Eximbank sẽ thu vượt tin SMS là 770 đồng/tin/tháng/tài khoản/thuê bao. Đồng thời, thông báo biến động số dư chỉ gửi SMS cho các giao dịch từ 50.000 đồng.

Theo Eximbank, việc thay đổi phí nhằm khuyến khích khách hàng chuyển đổi từ dịch vụ SMS Banking có thu phí sang dịch vụ OTT miễn phí (dịch vụ quản lý biến động số dư trên ứng dụng Eximbank Edigi đối với khách hàng cá nhân), giúp tiết kiệm chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.

Thấy gì từ động thái tăng phí SMS Banking của các ngân hàng?- Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng bắt đầu thu phí SMS theo số lượng tin nhắn phát sinh thực tế, thay vì cố định mức phí hàng tháng như trước đây

Trước đó, một loạt ngân hàng thương mại khác như Vietcombank, Sacombank, VPBank, ACB, OCB, Nam A Bank… cũng thông báo thay đổi chính sách phí SMS. Thay vì tính một mức phí cố định hàng tháng cho mỗi tài khoản/thuê bao như trước, các ngân hàng này chuyển sang tính phí theo số lượng tin nhắn thực tế phát sinh hàng tháng.

Cuối tháng 2-2024, chị Hồng Ngọc (ngụ TP Hà Nội) cho biết đã nhắn tin chủ động hủy dịch vụ SMS Banking của Vietcombank để chuyển sang nhận biến động số dư trên ứng dụng Vietcombank Digibank để tránh mất phí. Từ đầu năm 2024, Vietcombank đã thay đổi biểu phí SMS mới. Nếu khách hàng phát sinh dưới 20 tin nhắn/tháng/số điện thoại, phí là 10.000 đồng. Nếu khách hàng phát sinh trên 20 tin nhắn, phí SMS thu theo số lượng tin nhắn thực tế phát sinh là 700 đồng/tin nhắn.

Lý giải về động thái hàng loạt ngân hàng thay đổi chính sách nói trên, đại diện một ngân hàng cho biết điều này nhằm có lợi cho cả khách hàng và ngân hàng.

Thực tế, với xu hướng công nghệ hiện tại, khách hàng lúc nào cũng có mạng internet để nhận thông báo biến động số dư tài khoản qua ứng dụng ngân hàng miễn phí. Trong khi tin nhắn SMS Banking bị giới hạn về ký tự, không có dấu, lại thu phí theo số lượng phát sinh thực tế, thì dịch vụ OTT miễn phí trên các ứng dụng ngân hàng có lợi cho khách hàng hơn.

"Các ngân hàng, ngay cả việc thu phí SMS Banking từ khách hàng từ 600-800 đồng/tin nhắn vẫn lỗ, vì phải trả cho nhà mạng khoảng 1.000 đồng/tin nhắn. Với dịch vụ OTT miễn phí trên ứng dụng, ngân hàng chủ động về công nghệ, không phụ thuộc vào bên thứ 3 nên có thể gia tăng độ an toàn, bảo mật cho sản phẩm dịch vụ" - đại diện ngân hàng này giải thích.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại khác thông tin thêm các ngân hàng buộc phải chuyển hướng, khuyến khích khách hàng nhận thông báo số dư miễn phí vì chi phí từ SMS Banking quá cao.

"Hiện tại, thanh toán không tiền mặt phổ biến, số dư tài khoản biến động liên tục, ngân hàng "gồng" không nổi trong khi nhà mạng nhất quyết không giảm phí dù kiến nghị nhiều lần nên các ngân hàng phải xoay sở. Theo lộ trình tắt sóng 2G, nạn mạo danh thương hiệu ngân hàng (brandname) để lừa khách hàng sẽ giảm hơn" - phó tổng giám đốc ngân hàng này nói.