Tài sản đứng tên Mr Pips Phó Đức Nam ở nước ngoài sẽ được xử lý như thế nào?

Ngoài dàn siêu xe, tiền, vàng, sổ đỏ...trị giá khoảng 5.200 tỷ đồng đã bị thu giữ, cơ quan chức năng Mr Pips Phó Đức Nam còn đứng tên một số tài sản ở nước ngoài, vậy số tài sản này sẽ được xử lý như thế nào?
Tài sản đứng tên Mr Pips Phó Đức Nam ở nước ngoài sẽ được xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Hình ảnh Phó Đức Nam bị cơ quan điều tra bắt giữ.

Mang kiến thức được đào tạo để đi lừa đảo

Những tháng cuối năm 2024, dư luận bất ngờ khi Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) thông tin về kết quả điều tra đường dây lừa đảo tài chính quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips , SN 1994, trú tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (TikToker Mr Hunter, SN 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cầm đầu, với việc thu giữ khối lượng tiền, vàng, siêu xe,...lên tới 5.200 tỷ đồng.

Điều bất ngờ hơn đó là ông trùm của đường dây này có bảng thành tích học tập "khủng", với chứng chỉ IELS 8.5, có thể đối thoại với người nước ngoài bằng tiếng Anh như một người bản địa; học bổng toàn phần của Singapore về công nghệ thông tin. Dù sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố mẹ là bác sĩ và được đào tạo chuyên sâu ở môi trường phát triển như Singapore nhưng Phó Đức Nam lại sa ngã vào con đường phạm tội.

Năm 2018, sau thời gian làm phiên dịch viên, Phó Đức Nam bắt tay với Lê Khắc Ngọ cấu kết với nhóm đối tượng người nước ngoài tổ chức lừa đảo theo hình thức môi giới khách hàng đầu tư vào thị trường chứng khoán quốc tế dựa trên nền tảng các trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế giả mạo do các đối tượng người nước ngoài cung cấp.

Tài sản đứng tên Mr Pips Phó Đức Nam ở nước ngoài sẽ được xử lý như thế nào?- Ảnh 2.

Xe sang thu giữ của Phó Đức Nam và đồng bọn.

Cán bộ điều tra cho biết, quá trình triệt phá đường dây này gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là tội phạm công nghệ cao, hoạt động trên không gian mạng, ẩn danh, do đó, việc dựng lên sơ đồ hoạt động của bộ máy, cơ cấu, phương thức và vai trò của các đối tượng là cả một quá trình đầy gian nan.

"Có những hôm anh em trinh sát nhận tin rồi lấy xe máy bám theo đoàn siêu xe của các đối tượng ra ngoại thành, từ cơn mưa này đến cơn mưa khác, áo vừa kịp khô lại ướt... khi đến nơi mới biết các đối tượng đi ăn cưới" - Chỉ huy Đội CSHS Công an quận Cầu Giấy chia sẻ câu chuyện trong quá trình theo dõi đối tượng.

Tài sản đứng tên Mr Pips Phó Đức Nam ở nước ngoài sẽ được xử lý như thế nào?- Ảnh 3.

Đồng hồ có giá tiền tỷ bị thu giữ.

Khống chế nhân viên, thao túng nạn nhân

Thượng úy Trần Công Hậu - cán bộ điều tra Đội CSHS Công an quận Cầu Giấy cho biết, để điều hành hoạt động phạm tội Phó Đức Nam đã giao cho Lê Khắc Ngọ lập 44 văn phòng tại Việt Nam. Trong đó, tại Hà Nội 24 văn phòng với 1.918 đối tượng là quản lý vùng, quản lý văn phòng và nhân viên sale, tập trung tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hoàng Mai, Thanh Xuân... Ngoài ra, 20 văn phòng khác đặt tại TP HCM, Đà Nẵng, và Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan.

Theo Thượng úy Hậu, khi khách hàng tham gia vào các sàn giao dịch giả mạo này sẽ không có cơ hội thắng và không rút được tiền về tài khoản. Bởi chúng sử dụng phần mềm can thiệp, thao túng kết quả khiến người tham gia càng đặt lệnh nhiều thì tỷ lệ " cháy " tài khoản càng cao.

"Các đối tượng còn 'chăm sóc' bị hại theo kiểu 1-1 liên tục và thân mật, để họ cảm thấy có sự đồng hành và nhiệt tình, được quan tâm, tôn trọng trong quá trình đầu tư. Sau đó, các đối tượng đưa lệnh, đọc lệnh trên các hội nhóm do chúng lập ra để nhà đầu tư đặt theo, cuốn vào dòng tiền bị thua, muốn nạp thêm để gỡ và càng đặt nhiều thì càng nhanh "cháy" tài khoản" - Thượng úy Hậu nói.

Theo cơ quan điều tra, để quản lý được số lượng lớn nhân viên trong đường dây này, các đối tượng xây dựng phòng pháp chế để bảo vệ, kiểm soát nhân viên, bắt họ viết cam kết khi nghỉ việc không được cung cấp thông tin cho ai nếu không sẽ bị xử lý. Do đó, có những nhân viên "cứng đầu", đạt doanh số thấp nhưng đòi lương thì bị pháp chế đe dọa, thậm chí đưa vào phòng đánh đập và khi nghỉ việc không dám tố giác, trình báo... dẫn đến việc phát hiện đường dây này cực kỳ khó khăn.

Theo chỉ huy Đội CSHS Công an quận Cầu Giấy, có những bị hại nghĩ rằng tham gia đầu tư là "được - thua" và không lên trình báo, sợ bị xử lý về hành vi đánh bạc. Nên nhiều khi cán bộ điều tra gọi điện nhiều người không đến trình báo. Có người lại nghĩ rằng "đây là cuộc gọi lừa đảo" khi cán bộ điều tra liên hệ...nên gặp không ít khó khăn trong quá trình phá án.

Tài sản đứng tên Mr Pips Phó Đức Nam ở nước ngoài sẽ được xử lý như thế nào?- Ảnh 4.

Sổ đỏ, sổ tiết kiệm thu giữ trong đường dây lừa đảo 5.200 tỷ đồng.

Cần truy xuất dòng tiền, thu hồi tài sản

Quá trình điều tra đã thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 59 đồng hồ phiên bản giới hạn trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 7 mô tô hạng sang; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong toả 125 bất động sản. Bên cạnh các tài sản đã phong tỏa, thu giữ được, nhiều tài sản được cơ quan điều tra xác định đang ở nước ngoài.

Theo Ts. luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, các đối tượng sử dụng tiền chiếm đoạt được cất giấu, chuyển hóa thành nhiều loại tài sản khác nhau ở trong nước và tài sản ở nước ngoài, tài sản hữu hình và vô hình, thậm chí là tiền ảo là nhằm mục đích rửa tiền.

"Cơ quan điều tra sẽ truy xuất dòng tiền, tài sản của đối tượng để thu hồi tài sản do phạm tội mà có và các tài sản mang dấu vết của tội phạm" - luật sư Cường thông tin.

Luật sư Cường cho biết, tất cả tài sản liên quan đến tội phạm, tài sản phát sinh từ việc thực hiện hành vi phạm tội đều phải được xác định, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế để thu hồi, xác định là vật chứng vụ án hình sự để xử lý vật chứng theo quy định pháp luật.

Về một số tài sản được cơ quan điều tra xác định đang ở nước ngoài của đối tượng Phó Đức Nam, theo luật sư Cường, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ở Việt Nam sẽ liên hệ với nước sở tại để tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc, người đứng tên chủ sở hữu để yêu cầu những người liên quan phải giao nộp, hoặc chuyển giao xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tài sản đứng tên Mr Pips Phó Đức Nam ở nước ngoài sẽ được xử lý như thế nào?- Ảnh 5.

Tiền các đối tượng cất giấu.

Giải mã các sàn giao dịch lừa đảo

Giải mã chiêu trò lừa đảo trong vụ án, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học cho rằng, qua vụ án có thể thấy các đối tượng đã lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh và sự thiếu hiểu biết trong đầu tư tài chính của bị hại.

"Chúng gây dựng lên vẻ hào nhoáng và giả làm các chuyên gia tài chính để dẫn dụ nạn nhân, làm cho họ tin tưởng về sự giàu sang, cũng như hứa hẹn siêu lợi nhuận khi tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch này mà không kiểm chứng tính hợp pháp", TS Hiếu cho biết.

Vị tiến sĩ đưa ra các dấu hiệu một sàn giao dịch lừa đảo là những lời mời gọi đầu tư với lợi nhuận cao bất thường trong thời gian ngắn; sử dụng hình ảnh, video giả mạo chuyên gia để tạo lòng tin; yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc qua các kênh không chính thống và thiếu thông tin rõ ràng về công ty, sàn giao dịch hoặc giấy phép hoạt động.

Bên cạnh đó, người dân nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tài chính độc lập và uy tín trước khi quyết định đầu tư, đồng thời phải cập nhật thường xuyên thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới để nâng cao cảnh giác.

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), để có thể lấy lại tiền đã bị lừa đảo, nạn nhân cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Bị hại cần làm đơn trình báo gửi cơ quan điều tra kèm theo chứng cứ chứng minh số tiền thiệt hại. Trong đơn nêu rõ số tiền, hành vi, thời điểm, các thông tin liên quan, tham gia sàn nào. Các chứng cứ có thể là tin nhắn, phiếu chuyển tiền (bản phô tô hoặc vi bằng) để gửi cho phía cơ quan tố tụng.

Bước 2: Các bị hại sẽ được xác định tư cách bị hại, được tham gia tố tụng (lấy lời khai, tham gia phiên tòa).

Luật sư Hùng cho biết, vụ án sẽ qua các giai đoạn gồm: Điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm.

Bước 3: Sau khi có bản án phúc thẩm có hiệu lực, bị hại làm đơn yêu cầu thi hành án kèm theo bản án gửi đến Cục thi hành án TP. Hà Nội để được hoàn trả lại tiền.