Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu không ngừng tìm kiếm giải pháp giúp quần áo có thể giữ ấm hiệu quả trong môi trường lạnh. Tuy nhiên, hầu hết công nghệ hiện có đều dựa vào vật liệu nano kim loại đắt đỏ hoặc sử dụng bộ phận làm nóng bằng pin, gây bất tiện khi mặc.
![]() |
Loại vải mới được tạo ra nhờ kết hợp các hạt nano của hai loại polyme polyaniline và polydopamine với sợi polyurethane nhiệt dẻo. Ảnh: Westend61 |
Để khắc phục hạn chế này, nhóm nghiên cứu do kỹ sư hóa học Yuning Li tại Đại học Waterloo, Canada, dẫn đầu đã phát triển một giải pháp mới: sử dụng polyme quang nhiệt - loại vật liệu có khả năng hấp thụ ánh sáng và chuyển hóa thành nhiệt.
Loại vải mới được tạo ra nhờ kết hợp các hạt nano của hai loại polyme polyaniline và polydopamine với sợi polyurethane nhiệt dẻo, vốn là chất liệu phổ biến trong quần áo thể thao và đồ chống thấm nước.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tích hợp vào sợi vải thuốc nhuộm phản ứng với nhiệt độ. Khi nhiệt độ tăng, các phân tử thuốc nhuộm thay đổi cấu trúc hóa học, giúp vải chuyển màu, tạo hiệu ứng trực quan độc đáo.
Để kiểm chứng hiệu quả của loại vải này, nhóm nghiên cứu đã dệt thành một chiếc áo len nhỏ cho gấu bông. Kết quả cho thấy sau 10 phút tiếp xúc với ánh nắng, nhiệt độ của áo đạt 53,5 độ C. Đồng thời, vải cũng chuyển từ màu đỏ sang trắng khi nhiệt độ tăng cao.
Không chỉ có khả năng giữ nhiệt, loại vải mới còn có độ mềm mại, đàn hồi vượt trội, có thể co giãn gấp năm lần kích thước ban đầu mà không mất đi đặc tính quan trọng. Đặc biệt, ngay cả sau 25 lần giặt, vải vẫn giữ nguyên khả năng đổi màu và hấp thụ nhiệt.
(Theo Live Science)
>>AI tạo ra protein mới trong nháy mắt, điều mà tự nhiên cần 500 triệu năm