Tháng 7 và tháng 10/2025 sẽ đánh dấu thời điểm lịch sử quan trọng trong ngành năng lượng Việt Nam: Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ chính thức đi vào hoạt động thương mại.
Là dự án nhiệt điện đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 - với tổng công suất 1.500 đến 1.600 Megawatt - được dự báo sẽ tạo "cú hích" lớn cho nước ta trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng khi bổ sung khoảng 9 tỷ kWh điện mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia, theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power).
Bên cạnh đó, tổ hợp hai nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Ông Kèo, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai còn góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào giữa thế kỷ này, theo như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021.
Được đầu tư với số vốn lên đến 1,4 tỷ USD (hơn 35.000 tỷ VNĐ), Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 là một trong những dự án điện khí tiên tiến bậc nhất thế giới nhờ sở hữu "kiệt tác công nghệ" cũng như nguyên liệu xanh, phù hợp với xu thế thời đại.
Công nghệ tua-bin khí chu trình hỗn hợp (CCGT) tiên tiến hàng đầu thế giới
Science Direct giải thích, nhà máy điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp về cơ bản là nhà máy điện trong đó tua-bin khí và tua-bin hơi được sử dụng kết hợp để đạt hiệu suất cao hơn so với khi sử dụng riêng lẻ.
Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 sử dụng cấu hình 1 – 1 – 1 (một tua-bin khí, một lò hơi thu hồi nhiệt thải và một tua-bin hơi). Đây là cấu hình đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và là cấu hình tiên tiến trên thế giới, rất thân thiện môi trường.
!["Kiệt tác công nghệ thế giới" trong nhà máy điện khí 35.000 tỷ đầu tiên của Việt Nam: Cú hích lịch sử!- Ảnh 1. "Kiệt tác công nghệ thế giới" trong nhà máy điện khí 35.000 tỷ đầu tiên của Việt Nam: Cú hích lịch sử!- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/14/tua-bin-1739436957396770906568-1739529737100-17395297374651147302418-1739529769538-1739529769654759708316.png)
Hình minh họa về tua-bin khí. Nguồn: Internet
GE Vernova (Mỹ) nêu cụ thể như sau: Đầu tiên, tua-bin khí đốt nhiên liệu để tạo ra điện, đồng thời tạo ra nhiệt thải. Nhờ công nghệ tua-bin khí chu trình hỗn hợp mà lượng nhiệt thải này không bị thải ra môi trường mà thay vào đó được sử dụng để tạo ra hơi nước.
Hơi nước này, được tạo ra trong lò hơi thu hồi nhiệt thải (HRSG), sẽ cung cấp năng lượng cho tua-bin hơi nước tới trục truyền động máy phát điện, tại đây nó được chuyển đổi thành điện năng bổ sung.
Sự kết hợp khéo léo của các tua-bin này tối đa hóa hiệu quả, biến các nhà máy điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp trở thành nền tảng trong sản xuất điện hiện đại do khả năng tạo ra điện với mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải thấp hơn so với các phương pháp truyền thống.
Tập đoàn lâu đời hàng đầu của Mỹ GE cung cấp cho dự án điện khí Nhơn Trạch tua-bin khí 9HA.02 công suất 571 Megawatt, tần số 50Hz – công nghệ có hiệu suất cao nhất của GE; tua-bin hơi STF-D650; máy phát điện W88; lò hơi thu hồi nhiệt dòng thẳng (OT HRSG) và hệ thống điều khiển phân tán (DCS) Mark* VIe tích hợp.
Nói về hiệu suất phá kỷ lục của tua-bin khí 9HA.02, GE Vernova cho biết, kết hợp sức mạnh tuyệt đối với hiệu suất phá kỷ lục, tua-bin khí 9HA của GE hướng đến mục tiêu cung cấp giải pháp toàn diện đã được xác thực cho nhu cầu kinh tế khắt khe của khách hàng toàn cầu.
Hệ thống đốt DLN 2.6e của dòng tua-bin khí 9HA mang đến bước thay đổi về hiệu suất, lượng khí thải và tính linh hoạt của nhiên liệu. DLN 2.6e duy trì nhiều yếu tố của hệ thống đốt DLN 2.6+ của GE nhằm mục đích giảm lượng khí thải NOx đồng thời cho phép nhà máy đạt hiệu suất cao.
Dòng tua-bin khí 9HA có khả năng đốt cháy tới 50 % thể tích Hydro pha trộn với khí thiên nhiên, với lộ trình công nghệ hướng tới 100% trong tương lai.
!["Kiệt tác công nghệ thế giới" trong nhà máy điện khí 35.000 tỷ đầu tiên của Việt Nam: Cú hích lịch sử!- Ảnh 2. "Kiệt tác công nghệ thế giới" trong nhà máy điện khí 35.000 tỷ đầu tiên của Việt Nam: Cú hích lịch sử!- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/14/base64-1739503680754797252863-1739529737100-1739529737554283120986-1739529769538-1739529769609444664269.png)
Cận cảnh tua-bin khí 9HA của GE. Nguồn: GE Vernova
Dù có chi phí cho CCGT cao cùng quá trình vận hành/bảo trì phức tạp nhưng những thách thức này có thể được giảm thiểu thông qua quản lý hiệu quả và tiến bộ công nghệ. Do đó, đối với nhiều quốc gia, nhà máy điện áp dụng chu trình hỗn hợp được coi là phương tiện quan trọng để đáp ứng nhu cầu năng lượng và giảm phát thải.
Ông Ramesh Singaram đánh giá vào năm 2022 rằng năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng đáng kể tại Việt Nam. Theo ông, điện khí - với ưu thế hiệu suất cao và lượng phát thải carbon thấp - sẽ đóng vai trò quan trọng hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm độ ổn định, tin cậy cho lưới điện.
"Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 với mô hình lần đầu có mặt ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho lĩnh vực sản xuất điện khí trong nước," ông Singaram nói, lưu ý rằng dự án điện sử dụng công nghệ HA phù hợp với mục tiêu của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Vì sao nhiên liệu LNG sạch?
Tổ hợp hai nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 là nhà máy điện đầu tiên tại Việt Nam tạo ra điện bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Trong một thế giới đang tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch và bền vững, các nhà máy điện LNG nổi lên như một lựa chọn đầy hứa hẹn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của xã hội đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Có thể nói, LNG dù là nhiên liệu hóa thạch nhưng nó lại đóng vai trò là nhiên liệu chuyển tiếp hoàn hảo trên con đường sản xuất năng lượng sạch của nhân loại.
Không màu, không mùi, nhẹ và dễ hòa tan trong không khí, LNG có nhiệt độ ngọn lửa khoảng 1880 độ C khi cháy. So với xăng và dầu, LNG có ưu điểm là có thể cháy hoàn toàn mà không để lại cặn, giúp máy móc và thiết bị an toàn hơn, giảm hao mòn, ít phải bảo trì hơn và kéo dài tuổi thọ.
LNG khá sạch. Điện tạo ra từ nó cũng sạch hơn nhiều so với các nhiên liệu hóa thạch khác.
!["Kiệt tác công nghệ thế giới" trong nhà máy điện khí 35.000 tỷ đầu tiên của Việt Nam: Cú hích lịch sử!- Ảnh 3. "Kiệt tác công nghệ thế giới" trong nhà máy điện khí 35.000 tỷ đầu tiên của Việt Nam: Cú hích lịch sử!- Ảnh 3.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/14/edit-lng-khi-tu-nhien-hoa-long-1739433974735631099480-1739529737100-17395297374591189079206-1739529769538-17395297696131570437326.png)
LNG được lưu trữ trong các thùng chuyên dụng. Nguồn: PGS
Ưu điểm của Nhà máy điện LNG bao gồm:
Tạo ra năng lượng sạch: Điện chạy bằng LNG góp phần giảm phát thải và tác động tiêu cực đến môi trường. Một nhà máy điện chạy bằng LNG tạo ra lượng khí thải CO2 ít hơn khoảng 50% so với một nhà máy điện đốt than. Lượng khí thải có thể được giảm thêm nữa bằng các giải pháp hiệu suất cao.
!["Kiệt tác công nghệ thế giới" trong nhà máy điện khí 35.000 tỷ đầu tiên của Việt Nam: Cú hích lịch sử!- Ảnh 4. "Kiệt tác công nghệ thế giới" trong nhà máy điện khí 35.000 tỷ đầu tiên của Việt Nam: Cú hích lịch sử!- Ảnh 4.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/14/nha-may-dien-lng-17394332650272072449758-1739529737100-17395297375142081570377-1739529769539-17395297696731249988359.png)
Nhà máy điện LNG có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch của nhân loại. Nguồn: MAN Energy Solutions
Đóng góp cho phát triển bền vững: Nhà máy điện LNG không chỉ cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy mà còn đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Công nghệ này không chỉ là bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội mà còn là cách để chúng ta đóng góp vào bảo vệ môi trường và một tương lai xanh hơn.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng LNG ngày nay không chỉ giúp giảm lượng khí thải carbon và cho phép tích hợp đáng tin cậy các nguồn năng lượng tái tạo (như điện gió, quang điện) mà còn mở ra cánh cửa cho các loại nhiên liệu hydro trung hòa CO2, như eLNG, được sản xuất từ năng lượng tái tạo và CO2 từ quy trình thu giữ và sử dụng carbon (CCU).
Đối với Việt Nam, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đóng vai trò là bệ phóng để nước ta tiếp tục phát triển các dự án điện khí tại Việt Nam theo Quy hoạch điện VIII.
Theo Quy hoạch này, nước ta cần xây dựng khoảng 20 nhà máy điện LNG với tổng công suất khoảng 20 Gigiawatt vào năm 2030, Cục Điều tiết Điện lực thuộc Bộ Công thương cho biết.
Tham khảo: GE Vernova, Báo Xây Dựng, MAN Energy Solutions, Science Direct