Năm 2024, xuất khẩu gạo bùng nổ với 9 triệu tấn, thu về kỷ lục lịch sử 5,67 tỷ USD. Tuy nhiên, bước sang tháng 1 năm nay, lượng hàng xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 1%, còn kim ngạch giảm 10,4% so với tháng cùng kỳ năm ngoái, đạt 500 nghìn tấn và giá trị 308 triệu USD.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 liên tục sụt giảm mạnh. Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, hôm 14/2, giá gạo Việt 5% tấm xuất khẩu giảm còn 395 USD/tấn, trong khi hàng cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan có giá lần lượt 418 USD/tấn, 413 USD/tấn và 402 USD/tấn.
Gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm về mức 370 USD/tấn, thấp hơn hàng Thái Lan và Ấn Độ lần lượt 25 USD/tấn và 22 USD/tấn, nhưng vẫn cao hơn hàng Pakistan 2 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo Việt đã xuyên thủng đáy của năm 2023-2024, về sát đáy của năm 2022.
Bộ NN-PTNT nhận định, Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, trong khi thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam là Indonesia tự chủ lương thực và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung, điều này tác động đến lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong năm 2025.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cũng nhìn nhận, lượng tồn kho ở các quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam tương đối đầy, chưa phải là lúc mua vào. Hơn nữa, thông tin nguồn cung dồi dào lan truyền càng gây sức ép lớn, khiến giá gạo Việt tụt dốc.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1 vừa qua, xuất khẩu gạo sang Indonesia chỉ đạt 651 tấn, giá trị thu về khoảng 0,35 triệu USD, giảm mạnh 98% so với tháng cùng kỳ năm 2024.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu mặt hàng này dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, cần sớm tính các phương án sản xuất và kinh doanh phù hợp ngay từ đầu năm 2025.
Báo cáo về ngành lúa gạo của Bộ NN-PTNT gửi Bộ Tài chính mới đây nêu rõ, diện tích sản xuất lúa là 7 triệu ha, giảm 132.000ha so với năm ngoái. Năng suất dự kiến 61,6 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha. So với năm 2024, sản lượng ước đạt 43,14 triệu tấn, giảm khoảng 357.000 tấn.
Về cân đối lượng gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu năm 2025, Bộ NN-PTNT cho biết, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL, những vùng khác đa phần để phục vụ cho tiêu thụ nội địa.
![W-xuat khau gao.png](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/15/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-14-_w-xuat-khau-gao-114878.png)
Tại ĐBSCL, ước diện tích sản xuất cả năm đạt gần 3,78 triệu ha, sản lượng lúa khoảng 23,97 triệu tấn. Trong đó, 8,9 triệu tấn lúa sẽ tiêu thụ nội địa ngay trong vùng ĐBSCL và TPHCM và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi…
Trừ đi lượng tiêu dùng tại thị trường nội địa, nước ta còn 15,09 triệu tấn “hạt vàng”, tương đương 7,54 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
Theo đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 4,5 triệu tấn. Ở giai đoạn này, xuất khẩu gạo có thể đạt đỉnh vào tháng 3-4 với sản lượng khoảng 1-1,13 triệu tấn.
Lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,04 triệu tấn. Sản lượng gạo xuất khẩu đạt đỉnh 900.000 tấn/tháng trong giai đoạn này có thể rơi vào tháng 8 và tháng 9. Tháng 12, xuất khẩu gạo chỉ khoảng 140.000 tấn - mức thấp nhất năm.
Về thị trường, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, vẫn phải chú trọng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Philippines, Indonesia… Song, cần chủ động đa dạng hóa thị trường, chủng loại gạo; mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Tây Á và châu Phi.
Ngoài ra, các địa phương cần tập trung sản xuất các loại gạo chất lượng, giá bán cao được thị trường ưa chuộng như gạo thơm, gạo đặc sản… Trong đó, quan tâm tập trung nguồn lực cho triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Từ đó, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, phù hợp xu thế tiêu dùng thế giới, đồng thời tạo giá trị gia tăng lớn hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
>> Giá gạo Việt Nam xuyên thủng mốc 400 USD/tấn, thấp nhất châu Á