Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cao nhất 18 triệu/tháng: Người lao động được lợi gì?

Kể từ tháng 7/2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc. Cá nhân khi tính thuế thu nhập được giảm trừ các khoản như bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh phụ cấp, trợ cấp..., phần thu nhập còn lại mới chịu thuế.

Tuy nhiên, mức giảm trừ này đang bị coi là không còn phù hợp khi tính thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao.

Do đó, nhiều địa phương và bộ ngành đã có kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi góp ý cho dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).

Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương lên 18 triệu đồng/tháng, với người phụ thuộc là 8 triệu đồng/tháng.

Tỉnh này cho biết, năm 2013, mức giảm trừ với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, còn với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Tại thời điểm đó, mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng nhưng hiện tại là 2,34 triệu đồng (tăng gấp 2,03 lần). Trong khi đó, mức giảm trừ mới tăng 22,2%, từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng hiện hành. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh cho rằng cần phải nâng để phù hợp với tỷ lệ tăng mức lương cơ sở.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đề xuất mức giảm trừ thấp hơn, ở mức 17,3 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 6,9 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc.

Theo Bộ Quốc phòng, năm 2020 (thời điểm ban hành mức giảm trừ hiện tại), mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng. Đến nay, lương cơ sở là 2,34 triệu đồng, tăng hơn 57%, trong khi mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên.

Tỉnh Sơn La đề nghị nâng mức giảm trừ lên 16 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 5 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.

Còn tỉnh Ninh Thuận đề xuất tăng mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc lần lượt là 14 triệu đồng/tháng và 6 triệu đồng/tháng.

Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cao nhất 18 triệu/tháng: Người lao động được lợi gì?
Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh để giảm gánh nặng cho người nộp thuế

Bên cạnh đó, nhiều địa phương và bộ ngành cũng kiến nghị bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện, cùng các khoản đầu tư phát triển con người.

Đồng thời, các đơn vị đề xuất mức khoản giảm trừ cao hơn mức chung để hỗ trợ các trường hợp đặc biệt như người lao động là cha, mẹ đơn thân hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo.

Tỉnh Bắc Giang đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hiện hành theo điều kiện sinh hoạt thực tế của từng vùng, miền, thay vì áp dụng đồng nhất trên cả nước. Tỉnh này lý giải, mức lương tối thiểu đã được chia thành 4 vùng, trong khi giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng khiến mức giảm trừ hiện nay không còn phù hợp.

Phản hồi các đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân, cơ quan này đã đặt vấn đề nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc, nhằm đảm bảo phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng và các chỉ số kinh tế vĩ mô những năm gần đây, từ đó giảm gánh nặng cho người nộp thuế.

Mặt khác, Bộ cũng đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù như chi phí y tế, giáo dục.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh, dự thảo hiện mới ở giai đoạn xây dựng đề cương, chủ yếu tập trung làm rõ những vướng mắc và bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Các nội dung chi tiết và đánh giá cụ thể sẽ được nghiên cứu, đề xuất khi dự án luật được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

>> Từ 1/7/2025, người trên 60 tuổi không có lương hưu sẽ hưởng thêm 1 chính sách từ Nhà nước