Theo Báo Gia Lai, thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) liên tục tiếp nhận các đơn tố giác của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.
Từ năm 2024 đến nay, lực lượng công an tỉnh đã phong tỏa, tạm giữ hơn 10 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng liên quan đến các vụ lừa đảo. Số tiền này tương đương khoảng 1/5 tổng thiệt hại do các vụ lừa đảo trên địa bàn gây ra.
Một trong những vụ điển hình xảy ra ngày 15/3/2025, anh Đ.V.L. (trú tại phường Hội Phú, TP. Pleiku) bị lừa gần 1 tỷ đồng. Trước đó, anh L. có vay tiền của người bạn tên T. Đến ngày 15/3, anh nhận được tin nhắn qua Telegram từ tài khoản có tên T. yêu cầu trả nợ. Tưởng thật, anh L. đã chuyển gần 1 tỷ đồng vào tài khoản mang tên “NGUYEN MINH CUONG” tại Ngân hàng ACB.
“Tôi gọi cho anh T. để báo đã chuyển tiền thì mới biết anh không hề nhắn tin đòi nợ. Sau đó anh T. phát hiện tài khoản Telegram của mình bị kẻ xấu chiếm quyền kiểm soát. May mắn là sau khi trình báo, Công an đã phối hợp với Ngân hàng ACB kịp thời phong tỏa toàn bộ số tiền”, anh L. kể lại.
Tương tự, vào tháng 4/2024, chị N.T.V. (trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku) bị lừa 1,5 tỷ đồng thông qua hình thức mạo danh làm định danh mức 2. Các đối tượng đã dụ chị cài đặt một ứng dụng dịch vụ công giả mạo, sau đó gọi video nhằm lấy dữ liệu khuôn mặt để xác thực sinh trắc học, từ đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng và chuyển hết số tiền. Tuy nhiên, lực lượng công an đã phát hiện kịp thời và phối hợp với Ngân hàng BIDV tạm giữ toàn bộ số tiền.
Khoảng tháng 10/2024, chị V.T.N. (trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cũng là nạn nhân của một vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Đối tượng giả danh cán bộ UBND phường và Công an TP. Pleiku (cũ), hướng dẫn chị thực hiện đăng ký định danh trực tuyến qua ứng dụng giả, sau đó chiếm đoạt 850 triệu đồng trong tài khoản BIDV. Số tiền này bị chia nhỏ, chuyển qua nhiều tài khoản trung gian nhằm xóa dấu vết. Dù vậy, nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa công an và ngân hàng, toàn bộ số tiền đã được truy vết và thu giữ.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian qua một số ngân hàng như BIDV, MB Bank, VietinBank, Vietcombank… chi nhánh tại Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin tài khoản, số dư, hỗ trợ phong tỏa khẩn cấp sau khi có đơn trình báo. Điều này giúp cơ quan điều tra nhanh chóng truy vết dòng tiền, thiết bị và địa chỉ truy cập ngân hàng điện tử của các đối tượng lừa đảo.
>> Công an yêu cầu nạn nhân bị lừa bởi thủ đoạn 'làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng' khẩn trương trình báo