CFO Zalopay: Vay ngân hàng đôi khi còn không áp lực bằng nợ bạn bè vì sợ “người ta nghĩ mình chưa trả nợ mà vẫn tiêu xài”

Đây là chia sẻ của ông Trần Bá Khôi Nguyên (Andy Nguyen) - CFO Zalopay trong Tập 3 của Series Tiền Không Tệ do Spiderum thực hiện cùng Ngân hàng CIMB Việt Nam được đăng tải gần đây

Vay nợ không hề xấu! 

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, vị CFO của Zalopay cho rằng, ngày nay, các bạn trẻ không nên tiết kiệm một cách cực đoan. Tiết kiệm là cần thiết nhưng không phải mọi hình thức đều hiệu quả. Ví dụ, cất tiền vào két sẽ làm mất giá trị theo thời gian do lạm phát. Gửi ngân hàng thì có lãi nhưng lãi suất thường thấp hơn tốc độ phát triển kinh tế. Vì vậy, cần kết hợp tiết kiệm và đầu tư đa dạng như chứng khoán, vàng,… Tiết kiệm không nên là mục tiêu duy nhất, mà cần hiểu các công cụ tài chính để sử dụng hợp lý.

Ông Khôi Nguyên cũng bày tỏ quan điểm: "Vay nợ không xấu nếu biết sử dụng để đầu tư hoặc giải quyết nhu cầu hợp lý". Theo đó, có ba lý do phổ biến khiến người ta vay nợ. Lý do đầu tiên là giải quyết tình huống khẩn cấp, như sức khỏe, tai nạn, hoặc gia đình. Thứ hai là tận dụng lãi suất thấp hơn lợi ích đầu tư, điển hình là vay mua nhà để đón đầu giá trị tăng của bất động sản. Thứ ba là đáp ứng nhu cầu cá nhân, ví dụ như mua điện thoại mới hoặc trải nghiệm du lịch.

Ba rào cản lớn khi đi vay

Ông Khôi Nguyên cho rằng có 3 rào cản chính đối với một món nợ. Đầu tiên là yếu tố tâm lý, cảm xúc. "Nhiều người nói là không muốn mắc nợ bạn bè chứ đừng nói gì đến mắc nợ ngân hàng. Nhưng góc nhìn của tôi thì lại thấy, thà mắc nợ ngân hàng còn hơn mắc nợ bạn bè, chủ yếu do yếu tố tâm lý".

Rào cản thứ hai là về chi phí. Với vay tiêu dùng, cần chọn cách thức phù hợp để tránh lãi suất cao và chi phí ẩn. Một số công ty có thể thiết kế các khoản vay với mức lãi suất trên bề mặt rất thấp, nhưng lại kèm theo nhiều chi phí ngầm như phí dịch vụ, phí xử lý. Điều này khiến tổng chi phí vay trở nên cao hơn nhiều so với dự kiến. Bạn cần cẩn thận đọc kỹ các điều khoản để tránh bị nhầm lẫn bởi những chi phí này.

Bên cạnh đó, vay tiêu dùng cũng có thể bị cản trở bởi trải nghiệm, các rào cản như thủ tục phức tạp, mất thời gian. Nhiều ngân hàng yêu cầu khách hàng điền nhiều biểu mẫu, cung cấp giấy tờ chứng minh thu nhập, thậm chí phải có bảo hiểm xã hội. Điều này khiến không ít người ngại ngần, dù lãi suất có thể thấp hơn.

Khách hàng cần biết mình bỏ ra bao nhiêu, không chỉ dừng ở con số phần trăm

Từ 3 rào cản trên, ông Khôi Nguyên chỉ ra, các tổ chức cho vay có thể nghiên cứu kỹ để đưa ra sản phẩm phù hợp. Về mặt tâm lý, đó là yếu tố khó thay đổi và cần thời gian. Nhưng về chi phí và tính tiện lợi thì có thể cải thiện rất nhiều.

Thời hạn trả nợ cũng là yếu tố quan trọng. Thời hạn càng dài, số tiền phải trả càng nhiều, và ngược lại. Để hiểu rõ hành vi người dùng, thay vì khảo sát, các tổ chức cho vay thường tung sản phẩm thử nghiệm để xem người dùng thực sự chọn phương án nào. Ví dụ, một món đồ 10 triệu đồng, người dùng có thể chọn trả trước 2 triệu và vay 8 triệu, hoặc trả trước 5 triệu và vay 5 triệu. Dữ liệu này giúp tối ưu hóa sản phẩm.

Một phát hiện thú vị là trước khi ra mắt sản phẩm, người ta nghĩ rằng khách hàng muốn vay càng nhiều càng tốt. Nhưng thực tế, rất nhiều người chỉ muốn vay một phần nhỏ, vì họ hiểu rõ khả năng thanh toán hàng tháng của mình. Họ không muốn số tiền lãi phải trả quá cao.

Về thời gian vay, khách hàng thường không muốn thời gian trả nợ kéo dài hơn tuổi thọ của sản phẩm. Ví dụ, nếu mua một chiếc iPhone để sử dụng trong hai năm, họ không muốn vay với thời gian trả nợ ba năm. Tâm lý này cho thấy khách hàng muốn kiểm soát khoản nợ trong giới hạn hợp lý.

Ngoài ra, cần cân nhắc loại hàng hóa phù hợp để áp dụng vay tiêu dùng. Chẳng hạn, vay tiêu dùng nên tập trung vào những món hàng thuộc nhóm "mong muốn" hơn là "nhu cầu thiết yếu", như hóa đơn điện, nước. Tuy nhiên, đôi khi ranh giới giữa cần và muốn khá mờ nhạt. Có trường hợp người dùng đủ khả năng thanh toán điện, nước hàng tháng, nhưng lại gặp khó khăn tạm thời và cần hỗ trợ tài chính. Những tình huống như vậy đòi hỏi sản phẩm phải linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thực tế.

Vay tiêu dùng bằng sản phẩm Buy Now – Pay Later

Một trong những sản phẩm vay đang ngày càng phổ biến và được ưa chuộng hiện nay là Mua trước trả sau, hay Buy Now, Pay Later (BNPL).

Đây là mô hình cho phép người tiêu dùng mua sản phẩm, dịch vụ mong muốn trước và thanh toán hóa đơn sau thành nhiều khoản nhỏ. BNPL giúp người tiêu dùng giảm áp lực tài chính ban đầu và được sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngay khi có nhu cầu mặc dù chưa đủ khả năng chi trả.

Nhìn chung, BNPL khá giống với việc trả góp qua thẻ tín dụng, bao gồm 1 phần giá trị hàng hóa trả ngay lúc mua hàng và phần còn lại được chia thành các khoản bằng nhau, trả định kỳ mỗi tháng. Tuy nhiên, BNPL có nhiều ưu thế phù hợp với tệp khách hàng trẻ như thủ tục nhanh chóng, lãi suất và phí trả góp cạnh tranh, hạn mức thường thấp hơn và phù hợp cho tiêu dùng món nhỏ,….

Để mở thẻ tín dụng, bạn sẽ cần 1 số thông tin về hồ sơ tín dụng cơ bản như: bảng lương, lịch sử vay. Nhưng với BNPL, bạn chỉ cần cung cấp số điện thoại và căn cước công dân là có thể mở online được rồi. Thời gian đăng ký BNPL vì thế mà cũng rất nhanh, nhiều sản phẩm BNPL thậm chí cam đoan thời gian mở chỉ dưới 1 phút.

CFO Zalopay: Vay ngân hàng đôi khi còn không áp lực bằng nợ bạn bè vì sợ “người ta nghĩ mình chưa trả nợ mà vẫn tiêu xài” - Ảnh 1.

Nguồn: CIMB Bank

Ngoài ra, so với thẻ tín dụng, BNPL giảm được kha khá các loại chi phí như: phí phát hành thẻ, phí thường niên hay phí hủy thẻ. Lãi suất và phí trả góp thường cạnh tranh hơn nhờ hạn mức cho vay ít và thời gian trả góp cũng ngắn hơn.

Đặc biệt, nhờ loại bỏ thẻ cứng và các tác vụ liên quan đến thẻ, BNPL cũng giúp hạn chế bớt các rủi ro về tính bảo mật như lộ thông tin hay mất thẻ.

Tương tự như các công cụ tài chính khác, bạn cần hiểu rằng, BNPL cũng sẽ những mặt trái. Vì là sản phẩm vay nợ, người dùng cần có kế hoạch chi tiêu rõ ràng để tránh "vung tay quá trán", nắm rõ điều khoản để tránh các khoản phí phạt vì thanh toán muộn,...

Hiểu được những băn khoăn của khách hàng và mong muốn thúc đẩy sản phẩm BNPL tiếp cận tới nhiều người dùng hơn trong tương lai, trong năm 2022, Zalopay và Ngân hàng CIMB cũng đã kết hợp để cho ra đời sản phẩm BNPL - Tài khoản trả sau với nhiều ưu điểm vượt trội. Nhờ lợi thế tích hợp trên nền tảng ứng dụng Zalopay, quy trình đăng ký và phê duyệt của người dùng sẽ được tối giản và thuận tiện nhất. Yếu tố bảo mật được nâng cao và nhiều loại chi phí được tiết kiệm so với các sản phẩm mua trước trả sau khác trên thị trường. Ngoài ra, hạn mức của Tài khoản trả sau trên Zalopay kết hợp cùng Ngân hàng CIMB lên đến 8 triệu đồng, được hưởng lãi suất 0% trong 37 ngày và có thể thanh toán tại hơn 800 cửa hàng, dịch vụ trên toàn quốc.

Nội dung bài viết được thực hiện dựa trên series podcast Tiền Không Tệ, một sản phẩm hợp tác của Spiderum và CIMB

Xem thêm về podcast Tiền Không Tệ EP 3 "Thà NỢ NGÂN HÀNG còn hơn NỢ BẠN BÈ" tại: https://www.youtube.com/watch?v=t8N2Zyh0RtI