Tỷ lệ vỡ nợ thẻ tín dụng tại Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, báo hiệu một nguy cơ đáng lo ngại cho nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo từ BankRegData, trong chín tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng đã xóa bỏ 46 tỷ USD nợ quá hạn nghiêm trọng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm.
Ông Mark Zandi, Giám đốc Moody's Analytics, nhận định: "Hơn 30% người tiêu dùng thu nhập thấp tại Mỹ đã kiệt quệ, với tỷ lệ tiết kiệm hiện ở mức 0".
Mặc dù các ngân hàng chưa công bố số liệu quý IV/2024, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy tình hình thanh toán của người tiêu dùng đang trở nên tồi tệ hơn.
Capital One là một trong những công ty cho vay thẻ tín dụng lớn tại Mỹ, đã báo cáo rằng tính đến tháng 11/2024 tỷ lệ xóa nợ thẻ tín dụng hàng năm của họ đã tăng lên 6,1%, tăng đáng kể từ mức 5,2% của năm trước. Một sự thật đáng chú ý là mặc dù đã xóa bỏ gần 60 tỷ USD nợ thẻ tín dụng quá hạn trong năm qua, người tiêu dùng Mỹ vẫn còn tồn đọng 37 tỷ USD nợ quá hạn ít nhất một tháng khác.
Điều này phản ánh rõ nét sự khó khăn mà người tiêu dùng đang phải đối mặt trong bối cảnh lạm phát kéo dài. Không chỉ ở Mỹ mà có lẽ là toàn cầu cũng vậy.
Sự gia tăng tỷ lệ vỡ nợ thẻ tín dụng không chỉ là dấu hiệu cho thấy áp lực tài chính cá nhân của người tiêu dùng Mỹ đang gia tăng mà còn liên quan mật thiết đến các yếu tố như lạm phát phi mã và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chi phí đi vay ở mức cao.
Sau đại dịch Covid-19, nhiều người bước ra với lượng tiền mặt lớn, dẫn đến việc các tổ chức cho vay dễ dàng chấp thuận đơn xin vay của những khách hàng trước đây không đủ điều kiện. Kết quả là số dư thẻ tín dụng tại Mỹ đã tăng mạnh, với tổng cộng 270 tỷ USD trong năm 2022 và 2023, đưa tổng nợ thẻ tín dụng lên trên 1.000 tỷ USD lần đầu tiên vào giữa năm 2023.
Tỷ lệ vỡ nợ thẻ tín dụng tại Mỹ đã đạt mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, đánh dấu sự suy giảm nghiêm trọng trong tình hình tài chính của người tiêu dùng thu nhập thấp do lạm phát cao và những áp lực tài chính kéo dài.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê cụ thể, các trường hợp vỡ nợ thẻ tín dụng với con số khổng lồ đã gây xôn xao dư luận. Điển hình là vụ việc nợ tín dụng 8,5 triệu đồng nhưng sau 11 năm, số tiền phải trả vượt 8,8 tỷ đồng. Điều này phản ánh thực trạng quản lý tín dụng còn nhiều bất cập và tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trong tương lai.
Nguy cơ vỡ nợ thẻ tín dụng không chỉ là vấn đề của Mỹ mà còn là hồi chuông cảnh báo toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việc nâng cao nhận thức về tài chính cá nhân và quản lý chặt chẽ hơn từ các tổ chức tín dụng là yếu tố then chốt để hạn chế rủi ro trong tương lai.
>> Tín dụng năm 2025 dự kiến tăng 16%, dòng vốn sẽ dịch chuyển ra sao?