CEO Nvidia và 4 “bộ não kiệt xuất” thắng giải 3 triệu USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại vừa được vinh danh

CEO Nvidia Jensen Huang và 4 nhà khoa học từng thắng 3 triệu USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa được vinh danh ở một giải thưởng danh giá trên thế giới.
CEO Nvidia và 4 “bộ não kiệt xuất” thắng giải 3 triệu USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại vừa được vinh danh- Ảnh 1.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân đồng sáng lập Giải thưởng VinFuture. Ảnh: NK

Đây là Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth về Kỹ thuật 2025. Giải thưởng này được phát động từ năm 2012 nhằm tôn vinh những sáng kiến kỹ thuật đột phá, mang lại lợi ích cho nhân loại toàn cầu. Tính đến nay, đã có 26 nhà khoa học được vinh danh tại giải thưởng này.

Theo công bố mới đây của Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth 2025, các nhà khoa học bao gồm GS Yoshua Bengio, GS Geoffrey Hinton, GS John Hopfield, GS Yann LeCun, CEO Nvidia Jensen Huang, TS Bill Dally, và GS Fei-Fei Li , được vinh danh vì những đóng góp quan trọng tạo nên sự phát triển của học máy hiện đại. Đây được coi là yếu tố then chốt dẫn đến sự tiến bộ vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, phần thường dành cho các nhà khoa học được vinh danh là 500.000 bảng Anh.

Theo Quỹ Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth giải thích về việc lựa chọn những nhà khoa học để vinh danh trong năm nay, họ muốn ghi nhận về cả 3 trụ cột cốt lõi của học máy hiện đại, đó là thuật toán, phần cứng hiệu suất cao và bộ dữ liệu chất lượng.

CEO Nvidia và 4 “bộ não kiệt xuất” thắng giải 3 triệu USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại vừa được vinh danh- Ảnh 2.

GS Yoshua Bengio, GS Yann LeCun và TS Bill Dally (từ trái qua) là 3 trong số bảy nhà khoa học được vinh danh tại Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth 2025. Ảnh: The Guardian

Đáng chú ý là sự ghi nhận một cách toàn diện này gần như trùng khớp với quyết định trước đó của Hội đồng Giải thưởng VinFuture khi trao Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD cho 5 nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực AI (bao gồm 3 "Bố già AI" GS Geoffrey Hinton, GS Yann LeCun, GS Yoshua Bengio, CEO Nvidia Jensen Huang và GS Fei-Fei Li) vào tháng 12/2024 vừa qua.

Cụ thể, Giải thưởng Chính VinFuture 2024 vinh danh GS Geoffrey Hinton, GS Yann LeCun và GS Yoshua Bengio nhờ những đóng góp mang tính cách mạng cho mạng nơ-ron và các thuật toán của học sâu. Ngoài ra, hiệu suất điện toán được tăng lên nhanh chóng nhờ những tiến bộ được thúc đẩy nhờ ông Jensen Huang trong việc sử dụng bộ xử lý đồ họa (GPU). Hơn nữa, việc GS Fei-Fei Li tạo ra tập dữ liệu ImageNet cũng đã thúc đẩy sự tiến bộ trong hệ thống nhận diện hình ảnh, giúp huấn luyện các mô hình học sâu ở quy mô lớn.

VinFuture đi trước Nobel và nhiều giải thưởng danh giá khác

CEO Nvidia và 4 “bộ não kiệt xuất” thắng giải 3 triệu USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại vừa được vinh danh- Ảnh 3.

GS Yoshua Bengio, GS Yann LeCun và CEO Nvidia Jensen Huang (giữa) là ba trong năm người được Giải thưởng Chính VinFuture 2024. Ảnh: VFP

Trong thời gian qua, VinFuture, giải thưởng do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân đồng sáng lập, đã cho thấy sự tiên phong và tính khác biệt vượt trội so với nhiều giải thưởng khác trên thế giới.

Cụ thể, so với phần lớn các giải thưởng quốc tế, không chỉ vinh danh các nhà khoa học kiệt xuất, Giải thưởng VinFuture còn phát hiện và vinh danh những nhà tiên phong đưa khoa học vào đời sống để phụng sự nhân loại. Điều này được thể hiện rõ nhất trong mùa giải VinFuture 2024 vừa qua. Theo đó, VinFuture chính là giải thưởng khoa học quốc tế lớn đầu tiên vinh danh CEO Nvidia Jensen Huang, một nhân vật không đến từ giới học thuật , và GS Fei-Fei Li. Quyết định này thể hiện tầm nhìn toàn diện của Hội đồng Giải thưởng VinFuture và phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, khi những thành tựu có tác động to lớn là thành quả từ sự kết hợp của nghiên cứu học thuật và ứng dụng thực tiễn.

Trước thực tế này, GS Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, cho biết đây chính xác là điều mà VinFuture hướng tới. Đó là một sự công nhận toàn diện cho những đóng góp từ mọi thành phần của hệ sinh thái khoa học công nghệ. Những đổi mới mang tính đột phá thường xuất phát từ sự giao thoa giữa nghiên cứu học thuật và phát triển công nghiệp. Bởi chỉ khi các nhà khoa học và doanh nghiệp cùng chung tay mới có thể tạo ra những đột phá thực sự có ý nghĩa cho nhân loại.

Nhiều chủ nhân Giải thưởng VinFuture được vinh danh ở Nobel

Trên thực tế, tầm nhìn và sứ mệnh đúng đắn của Giải thưởng VinFuture ngày càng được củng cố vững chắc trong cộng đồng khoa học công nghệ thế giới, khi nhiều chủ nhân Giải thưởng VinFuture tiếp tục được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế lâu đời, đặc biệt là giải Nobel.

CEO Nvidia và 4 “bộ não kiệt xuất” thắng giải 3 triệu USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại vừa được vinh danh- Ảnh 4.

TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman, hai chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2021, được vinh danh tại giải Nobel Y sinh 2023. Ảnh: Reuters

Theo đó, năm 2023, TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman, hai chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2021, được giải Nobel Y sinh vinh danh cho công trình nghiên cứu về các biến đổi của nucleoside, tiền đề quan trọng cho sự ra đời của vắc-xin mRNA chống Covid-19.

Đến năm 2024, TS Demis Hassabis (Anh) và TS John Jumper (Hoa Kỳ), chủ nhân của Giải Đặc biệt VinFuture dành cho Nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới 2022, được giải Nobel Hóa học vinh danh vì tạo nên mô hình AI dự đoán cấu trúc protein. Cùng năm 2024, GS Geoffrey Hinton đã được vinh danh tại Giải Nobel Vật lý cho những khám phá và phát minh nền tảng cho phép học máy bằng mạng nơ-ron nhân tạo.

Theo GS Richard Henry Friend, những sự vinh danh trên chính là minh chứng rõ nét nhất về khả năng nhận diện sớm những công trình có tầm ảnh hưởng toàn cầu của Giải thưởng VinFuture, mặc dù giải thưởng chỉ mới trải qua hơn 4 năm hoạt động.

Học sâu (Deep Learning) là một nhánh của Học máy (Machine Learning) và AI. Theo các chuyên gia, học sâu tập trung vào việc dạy máy tính học hỏi, đồng thời tự cải thiện khả năng thực hiện nhiệm vụ thông qua một mạng lưới nơ-ron nhân tạo mô phỏng cách hoạt động của não người. So với các phương pháp học máy truyền thống, điểm nổi bật của học sâu chính là khả năng tự động trích xuất thông tin từ dữ liệu mà không cần can thiệp tới lập trình thủ công.

Hiện nay, học sâu đã được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, lĩnh vực thị giác máy tính, y học, sản xuất công nghiệp, nhận diện giọng nói, tài chính, thương mại điện tử…. Giá trị của những nghiên cứu cho sự phát triển học sâu có thể mang lại hàng nghìn tỷ USD cho thế giới trong tương lai.