Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ sau vài cuộc điện thoại từ số lạ tự xưng là cán bộ Công an với lý do hướng dẫn cập nhật điểm giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID, chị Lê Thị Liên (trú tại xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân) đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 70 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Chia sẻ về vụ việc, chị Liên cho biết: “Cài xong app đó, hắn bảo chị đem hết giấy tờ chụp lên cho tôi để tôi đưa lên hệ thống, thế là tôi chụp cả 2 mặt, sau khi chụp thẻ ngân hàng thế là nó hack thẻ ngân hàng rồi. Lúc đó cuống lên nhập mã xác nhận là chuyển lần đầu tiên 70 triệu, sau bàng hoàng là mình bị lừa rồi".
Công an tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, việc giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân hay các cơ quan chức năng khác không phải là thủ đoạn mới. Tuy nhiên, để tạo lòng tin, các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi “chiến thuật”.
Kẻ lừa đảo bám sát những quy định mới như tích hợp thông tin cá nhân trên ứng dụng VNeID, hay trừ điểm giấy phép lái xe… để dụ người dân cài đặt ứng dụng giả mạo, từ đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị thông minh và chiếm đoạt tài sản.
![]() |
Chị Lê Thị Liên báo cáo vụ việc tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa |
Ngoài hình thức giả danh cơ quan chức năng, một kiểu lừa đảo khác cũng đang nở rộ là lừa đảo tâm linh. Đầu năm 2022, Triệu Thị Mai (SN 1988, trú tại phường An Hưng, TP. Thanh Hóa) đã lập tài khoản Facebook với nickname “Triệu Phương Mai”.
Đối tượng thường xuyên đăng tải các bài viết mang màu sắc tâm linh về tử vi, tướng số. Bị thu hút bởi những nội dung này, tháng 4/2024, chị T.O. (trú tại TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã liên hệ Mai để nhờ xem bói.
Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, Mai đã bịa đặt hàng loạt câu chuyện tâm linh không có thật nhằm khiến nạn nhân hoang mang, lo sợ và liên tục chuyển tiền để làm lễ "giải hạn".
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng không chỉ là vấn nạn tại Việt Nam mà còn đang trở thành vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Đây được xem là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống của tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa nhận định: "Chính bản thân bị hại không cập nhật thông tin, khuyến cáo của lực lượng công an, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc chúng ta tuyên truyền thông tin chính sách chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, người dân chưa tiếp cận chủ trương đó, đối tượng lợi dụng vào đó để thực hiện hành vi phạm tội".
Tội phạm lừa đảo trực tuyến hoạt động có tổ chức, thường đặt máy chủ tại nước ngoài và liên tục thay đổi phương thức tiếp cận nạn nhân, xây dựng kịch bản, phân vai rõ ràng với các thủ đoạn hết sức tinh vi.
Do đó, người dân cần chủ động cập nhật thông tin về các phương thức lừa đảo, tuyệt đối không truy cập các đường link lạ, không cung cấp hoặc chụp ảnh căn cước công dân, ảnh cá nhân cho bất kỳ ai không quen biết để tránh nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản.
>> Bị đối tượng lừa chiếm đoạt gần 700 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng, người phụ nữ đã lấy lại tiền bằng cách nào?