Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ban hành ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến ngày 1/7/2026, toàn bộ xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực Vành đai 1, Hà Nội.
![]() |
Chi tiết các tuyến đường vành đai 1 tại Hà Nội. Ảnh: Tổng hợp |
Kể từ ngày 1/1/2028, phạm vi hạn chế sẽ được mở rộng, bao gồm cấm xe mô tô, xe gắn máy và hạn chế ô tô cá nhân chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2.
Từ năm 2030, lộ trình tiếp tục được triển khai tại Vành đai 3.
>> Honda Air Blade 2025 điều chỉnh giá bán ‘rẻ như cho’: Ngoại hình ấn tượng, trang bị hiện đại cùng khả năng vận hành ổn định
Liên quan đến việc này, Báo Tiền Phong đã dẫn lời đại diện Honda Việt Nam - hãng sản xuất xe máy lớn nhất tại Việt Nam - cho biết, hãng ủng hộ mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển các giải pháp giao thông bền vững của Chính phủ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng bày tỏ quan điểm cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố thực tiễn trong quá trình triển khai. Honda Việt Nam dẫn nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng, xe máy chỉ chiếm khoảng 4,5% lượng bụi mịn (PM2.5) – một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí – thấp hơn nhiều so với các phương tiện như xe tải, xe buýt hay ô tô.
![]() |
Phía Honda Việt Nam khẳng định sự tôn trọng và ghi nhận với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như phát triển những giải pháp di chuyển phù hợp. Ảnh: Tổng hợp |
Do đó, việc quy trách nhiệm ô nhiễm cho xe máy xăng cần được đánh giá khách quan và toàn diện hơn.
Hãng xe Nhật cũng đưa ra những thách thức lớn khi triển khai chính sách cấm xe xăng tại khu vực nội đô.
Trong đó, việc thay thế hàng triệu phương tiện động cơ đốt trong trong thời gian ngắn sẽ gây áp lực lớn về tài chính và hậu cần. Đồng thời, hạ tầng dành cho phương tiện điện – như trạm sạc – còn thiếu và chưa đảm bảo yêu cầu an toàn phòng cháy, đặc biệt tại các khu dân cư cũ.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi nhanh chóng cũng có nguy cơ gây xáo trộn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động của hơn 2.000 đại lý, 200 nhà cung cấp và hàng chục nghìn lao động. Việc thiếu thời gian thích nghi có thể khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ, mất khả năng tái đầu tư, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả và bền vững, Honda Việt Nam kiến nghị cần có thêm thời gian chuẩn bị – tối thiểu từ 2 đến 3 năm – nhằm hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, chính sách hỗ trợ cũng như đầu tư hạ tầng phù hợp.
Việc xây dựng một lộ trình hợp lý, hài hòa lợi ích giữa các bên được xem là chìa khóa để chính sách đạt hiệu quả thiết thực trong thực tiễn.
>> Sẽ cấm xe xăng trong vành đai 1 Hà Nội từ tháng 7/2026, phía Hiệp hội Xăng dầu chính thức lên tiếng