Rà soát kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng trên toàn quốc

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Kế hoạch nhằm thực hiện Chỉ thị số 13 và Công điện số 65 của Thủ tướng về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới.

Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, mục đích nhằm tạo chuyển biến đột phá trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gắn với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, nâng cao năng lực quản lý, phân định trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý nhà nước.

Cùng đó, đợt tổng kiểm tra lần này cũng rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện để đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Rà soát kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng trên toàn quốc ảnh 1
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đề nghị các đơn vị rà soát kiểm tra tình trạng hàng giả, gian lận thương mại đối với các mặt hàng thiết yếu.

Trước nhiệm vụ trên, lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, các Sở Công Thương, chi cục Quản lý thị trường, nắm vững diễn biến thị trường, công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương, thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Phú Yên, Đà Nẵng, Huế, TPHCM, Long An, An Giang, Tây Ninh, Cần Thơ....

Các đơn vị cần chỉ ra nguyên nhân vi phạm, các sơ hở, bất cập trong quy định mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc phục với cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt tập trung kiểm tra trên môi trường thương mại điện tử, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, nhất là các sản phẩm sữa, thuốc tân dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón...

Các đơn vị được yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt của các lực lượng chức năng theo hướng phân định rõ trách nhiệm, rõ địa bàn, rõ lĩnh vực, không chồng chéo, không bỏ sót, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7.

Chi cục Quản lý thị trường các địa phương cần quản lý chắc địa bàn, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tại các địa bàn trọng điểm, thể hiện quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo điều hành.

Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ký công điện gửi các bộ Công an, Công Thương, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các tỉnh, thành phố.

Theo đó, thực hiện Công điện số 65 của Thủ tướng về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an xây dựng, thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong toàn lực lượng.

Các bộ và địa phương cần khẩn trương thực hiện công điện của Thủ tướng; đồng thời cơ quan thường trực của Tổ công tác là Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia có báo cáo hàng tuần và đột xuất về việc thực hiện Công điện 65.

>>Phó Thủ tướng yêu cầu trong ngày mai phải hoàn thành ngay một việc để chống hàng giả