Phụ phẩm cho lợn ăn của Việt Nam giờ thành 'vàng nâu', sắp xuất sang Trung Quốc

Trong ngành chế biến lúa gạo, cám gạo thường bị xem là phụ phẩm ít giá trị, chủ yếu được dùng làm thức ăn gia súc hoặc phân bón. Tuy nhiên, vai trò của cám gạo đang thay đổi nhanh chóng khi Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), cho phép cám gạo và cám gạo chiết ly được xuất chính ngạch sang thị trường đông dân nhất thế giới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mỗi năm, nước ta sản xuất khoảng 5 triệu tấn cám gạo. Dù có sản lượng lớn, phần lớn lượng cám này trước đây chỉ tiêu thụ trong nước hoặc xuất tiểu ngạch sang các thị trường lân cận với giá trị gia tăng thấp, chất lượng không được kiểm định chặt chẽ.

Phụ phẩm cho lợn ăn của Việt Nam giờ thành 'vàng nâu', sắp xuất sang Trung Quốc
Việt Nam sản xuất khoảng 5 triệu tấn cám gạo mỗi năm. Ảnh minh họa

>> 5 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 605 triệu USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi

Việc ký kết Nghị định thư đánh dấu bước ngoặt cho ngành phụ phẩm nông nghiệp, bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cám gạo khổng lồ, đặc biệt phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn lớn nhất thế giới.

Không chỉ Trung Quốc, cám gạo còn là mặt hàng được nhiều nước quan tâm. Các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan đang nhập khẩu cám gạo không chỉ để làm thực phẩm mà còn sử dụng trong ngành mỹ phẩm. Ngay cả Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu – cũng phải nhập khẩu cám gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Theo các chuyên gia, dù chưa có thống kê cụ thể về tổng giá trị thị trường cám gạo toàn cầu, nhưng các phân khúc liên quan cho thấy tiềm năng lớn. Thị trường dầu cám gạo được định giá khoảng 7,86 tỷ USD vào năm 2023 và dự báo sẽ đạt hơn 18 tỷ USD vào năm 2032. Trong khi đó, thị trường bã cám gạo sau khi chiết dầu cũng có giá trị gần 1 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng đều đặn.

Phụ phẩm cho lợn ăn của Việt Nam giờ thành 'vàng nâu', sắp xuất sang Trung Quốc
Cám gạo và cám gạo chiết ly sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh minh họa

Để tận dụng được cơ hội lớn từ thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ nhiều yêu cầu khắt khe. Theo quy định trong Nghị định thư, sản phẩm cám gạo và cám gạo chiết ly phải đảm bảo không chứa vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, không bị nhiễm nấm mốc và các tác nhân sinh học khác.

Doanh nghiệp cũng cần thiết lập hệ thống quản lý vệ sinh nghiêm ngặt, kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản và vận chuyển. Các tiêu chuẩn như HACCP, truy xuất nguồn gốc và phân tích điểm tới hạn bắt buộc phải được áp dụng. Ngoài ra, bao bì sản phẩm cần đầy đủ thông tin bằng tiếng Trung và tiếng Anh, đảm bảo minh bạch nguồn gốc và hạn sử dụng rõ ràng.

Các nhà máy chỉ được phép sử dụng dây chuyền riêng biệt cho nguyên liệu có nguồn gốc thực vật. Mọi yếu tố có nguy cơ gây nhiễm từ động vật như phân, lông vũ hay xác động vật đều phải được loại trừ hoàn toàn khỏi khu vực sản xuất.

Đặc biệt, doanh nghiệp muốn xuất khẩu cần được Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam giới thiệu và thông qua quy trình đăng ký với GACC. Phía Trung Quốc cũng sẽ thực hiện kiểm tra định kỳ tối thiểu 3 tháng một lần.

>> Chi hơn 5 tỷ USD nhập khẩu, một ngành hàng nông nghiệp top 1 nhập siêu