Một ‘ngôi sao’ trên bàn tiệc của người Mỹ bị gạt khỏi bàn ăn Trung Quốc vì thuế quan

Thuế quan cao khiến thịt bò Mỹ từng là nguyên liệu chủ lực trong các nhà hàng phong cách Mỹ đang dần bị thay thế bởi thịt bò Australia tại Trung Quốc.

Một ‘ngôi sao’ trên bàn tiệc của người Mỹ bị gạt khỏi bàn ăn Trung Quốc vì thuế quan

Tại Home Plate BBQ, một nhà hàng theo phong cách Mỹ nằm ở Bắc Kinh, thực đơn mới đang được in lại. Nguyên nhân bắt nguồn từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, khiến thịt bò Mỹ, nguyên liệu từng giữ vị trí trung tâm sắp bị loại khỏi thực đơn. Trong vài tuần tới, khi lượng thịt còn lại trong kho được sử dụng hết, nhà hàng này sẽ chuyển hoàn toàn sang thịt bò nhập khẩu từ Australia.

>>Sầu riêng Việt bị Thái Lan vượt mặt tại Trung Quốc, thêm mối nguy mới từ Lào

“Về cơ bản, điều này khiến chúng tôi rất khó có thể tiếp tục sử dụng thịt bò Mỹ”, ông Charles de Pellette, Giám đốc điều hành của chuỗi nhà hàng Home Plate, cho biết.

Trước đây, nhà hàng sử dụng hoàn toàn thịt bò Mỹ, với sản lượng khoảng 7 đến 8 tấn thịt ức mỗi tháng. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu bổ sung lên tới 125%, cộng thêm mức thuế hiện hành 22%, đã đẩy giá thịt bò Mỹ lên quá cao so với khả năng chi trả.

Ngay cả trước khi căng thẳng thương mại bùng phát, giá thịt bò Mỹ đã bắt đầu leo thang do nguồn cung sụt giảm, đàn gia súc trong nước giảm xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1950. Từ tháng 5/2024 đến tháng 3/2025, giá thịt ức bò Mỹ đã tăng gần 50%, và tiếp tục tăng mạnh sau khi mức thuế mới có hiệu lực.

Một nhà cung cấp thịt bò tại Bắc Kinh cho biết, xu hướng chuyển sang sử dụng thịt bò Australia đang diễn ra tại hầu hết các nhà hàng, kể cả các nhà hàng bít tết kiểu Mỹ: “Họ buộc phải chuyển đổi, đơn giản vì thị trường không cho họ lựa chọn nào khác”.

Trong khi thịt bò Mỹ ngày càng trở nên xa xỉ, Australia đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống với nguồn cung rẻ hơn tới 40%. Tại Home Plate, thực khách sẽ sớm được thưởng thức các món như sườn bò, thịt ức bò và xúc xích xông khói chậm theo đúng phong cách Texas nhưng làm từ thịt bò Australia.

“Chúng tôi đã thử nghiệm sản phẩm này trong vài tháng và nhận thấy chất lượng rất ổn. Khách hàng của chúng tôi cũng khá hài lòng”, ông de Pellette chia sẻ. Ông cho biết thêm, nhà hàng cũng sẽ chuyển sang sử dụng sườn heo từ Canada trong thời gian tới.

Dù mỗi tháng Mỹ chỉ xuất khẩu khoảng 125 triệu USD thịt bò sang Trung Quốc, con số nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại khổng lồ nhưng việc thịt bò Mỹ biến mất khỏi thực đơn tại Bắc Kinh là dấu hiệu cảnh báo cho hàng nghìn mặt hàng khác đang chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại xuyên Thái Bình Dương.

>>Gần 43% người tìm việc nằm ở độ tuổi 30-39 trong 3 tháng đầu năm 2025