Xóa bỏ các đầu mối, chỉ Bộ Công Thương cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thu hồi quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) và tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa (REX) từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệu lực thực hiện từ ngày 21/4.

Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu thông báo với các nước nhập khẩu, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong và ngoài nước về việc thay đổi cơ quan cấp các loại C/O, CNM, REX.

Đơn vị này cũng được yêu cầu triển khai việc thực hiện cấp các loại chứng nhận trên một cách thông suốt, tránh gián đoạn; đồng thời khẩn trương tổ chức công tác bàn giao, tiếp nhận từ VCCI những nội dung liên quan đến việc thực hiện cấp các loại chứng nhận xuất xứ trong giai đoạn được Bộ trưởng Công Thương ủy quyền.

Xóa bỏ các đầu mối, chỉ Bộ Công Thương cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa ảnh 1
Việc lấy lại quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa về Bộ Công Thương nhằm giảm rủi ro về gian lận xuất xứ.

Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đảm bảo cơ sở hạ tầng dữ liệu điện tử tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương để cấp C/O điện tử và thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tiếp nhận đăng ký mã số REX.

Đối với VCCI, Bộ Công Thương yêu cầu chấm dứt việc cấp toàn bộ các loại chứng nhận C/O, CNM, REX, hỗ trợ thương nhân thay đổi nơi đề nghị cấp…

Hiện các loại chứng nhận C/O, CNM và mã số REX được xem là “hộ chiếu thương mại” của hàng hóa đảm bảo rằng sản phẩm không chỉ được sản xuất tại Việt Nam, mà còn tuân thủ quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nếu thiếu chuẩn mực, hàng Việt Nam có thể bị đối tác đánh giá thấp, thậm chí bị đưa vào diện rà soát kỹ.

Theo Bộ Công Thương, việc lấy lại quyền cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa về bộ nhằm tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Trong thời gian qua, một số dấu hiệu về sự thiếu chuẩn hóa, thiếu hậu kiểm trong việc cấp CO, mẫu CNM và mã REX đã tạo nên lỗ hổng chính sách, nhất là việc đáp ứng các đòi hỏi trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA.

"Việc chuyển quyền cấp xuất xứ hàng hóa về Bộ Công Thương sẽ giúp thống nhất trong hệ thống quản lý CO điện tử của bộ, có hệ thống hậu kiểm và phối hợp với hải quan chặt chẽ hơn, được châu Âu và FTA công nhận là đầu mối chính thức, áp dụng chuẩn hóa toàn quốc, giảm rủi ro xuất xứ hàng hóa giả hoặc gian lận xuất xứ", Bộ Công Thương cho hay.

>> Động thái của Bộ Công Thương sau vụ gần 600 loại sữa giả