Petrovietnam tiếp tục chia 'miếng bánh' với 'ông lớn' dầu khí Malaysia: Cùng khai thác mỏ dầu với lưu lượng 20.000 thùng dầu, 200 triệu khối khí mỗi ngày

Dự án PM3 CAA – nằm trên khu vực chồng lấn giữa hai quốc gia Việt Nam và Malaysia, tiếp tục được giao cho 2 tập đoàn dầu khí cùng khai thác.
Petrovietnam tiếp tục chia 'miếng bánh' với 'ông lớn' dầu khí Malaysia: Cùng khai thác mỏ dầu với lưu lượng 20.000 thùng dầu, 200 triệu khối khí mỗi ngày- Ảnh 1.

Hoạt động tại Lô PM3 CAA

Ngày 9/4, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã ký kết thỏa thuận gia hạn hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas). Thời gian hợp đồng gia hạn thêm 20 năm.

Kể từ khi bản Hợp đồng Chia sản phẩm (PSC) Lô PM3 CAA được ký kết ngày 16/2/1989, trên cơ sở Thỏa thuận Thương mại giữa hai Chính phủ Việt Nam và Malaysia, Petrovietnam và Petronas đã hợp tác không chỉ ở khâu thăm dò – khai thác, mà còn sang các lĩnh vực mới như LNG, năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ giảm phát thải CO₂, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng của thế giới cũng như việc mở rộng lĩnh vực hoạt động của hai bên.

Dự án dầu khí Lô PM3 CAA trải qua 6 giai đoạn phát triển, với 39 lần cập nhật kế hoạch khai thác, đưa vào vận hành 178 giếng phát triển, 02 giàn công nghệ trung tâm (CPP), 02 tàu FSO và trên 10 giàn vệ tinh đầu giếng, cùng hệ thống đường ống dẫn khí PM3 CAA Cà Mau dài 298km. Lưu lượng khai thác hiện tại đạt khoảng 20.000 thùng dầu và khoảng 200 triệu bộ khối khí mỗi ngày.

Petrovietnam tiếp tục chia 'miếng bánh' với 'ông lớn' dầu khí Malaysia: Cùng khai thác mỏ dầu với lưu lượng 20.000 thùng dầu, 200 triệu khối khí mỗi ngày- Ảnh 2.

Nguồn khí được khai thác từ Lô PM3 CAA góp phần hình thành và phát triển tổ hợp Khí – Điện – Đạm Cà Mau

Chia sẻ tại lễ ký kết, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho biết hiện hệ thống đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau và 1 Trung tâm phân phối khí để cung cấp khí cho 2 Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 với tổng công suất 1.500 MW, Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn urê/năm và Nhà máy Xử lý Khí (GPP) Cà Mau với công suất 600 tấn LPG và 34 tấn condensate/ngày.

Tính đến hết năm 2024, dự án đã khai thác khoảng 250 triệu thùng dầu và 1.600 tỷ bộ khối khí (tương đương 43 tỷ mét khối), trong đó gần 25 tỷ mét khối khí đã được cung cấp cho Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển tổ hợp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, đóng góp to lớn vào kinh tế xã hội khu vực Tây Nam Bộ. Với tổng chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ USD, dự án đã tạo ra doanh thu dầu khí lên đến 24,8 tỷ USD, mang lại giá trị kinh tế vượt trội và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước của cả hai quốc gia.

Đặc biệt, khả năng điều phối linh hoạt lượng khí theo mùa tại dự án giúp tối ưu hóa sản lượng khai thác, hạn chế lãng phí và ứng phó hiệu quả với biến động nhu cầu – một yếu tố vận hành chiến lược trong bối cảnh thị trường năng lượng ngày càng bất ổn.

Petronas hiện là một trong những nhà cung cấp LNG lớn nhất toàn cầu với sản lượng hơn 33 triệu tấn/năm, sở hữu mạng lưới đối tác trải dài và hệ sinh thái khí hóa lỏng tiên tiến. Trong khi đó, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các dự án điện khí LNG như Nhơn Trạch 3 – 4, Long An 1 – 2, Bạc Liêu..., mở ra cơ hội lớn để hai bên hợp tác trung – dài hạn nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và ổn định giá thành trong bối cảnh thị trường LNG toàn cầu nhiều biến động.