Lương công nhân gỗ Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều trên 1.000 USD, riêng công nhân gỗ Việt Nam chỉ nhận từ 300 – 400 USD

Lãnh đạo ngành gỗ cho rằng đã đến lúc ngành này không thể cạnh tranh bằng yếu tố nhân công giá rẻ mà nên tìm phương án tăng giá trị sản phẩm để tăng lợi nhuận.
Lương công nhân gỗ Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều trên 1.000 USD, riêng công nhân gỗ Việt Nam chỉ nhận từ 300 – 400 USD- Ảnh 1.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Chia sẻ trong Diễn đàn “Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh” chiều 17/4, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết một thực trạng là xuất khẩu Việt Nam vẫn đang tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào nguyên vật liệu đầu vào tương đối rẻ cùng với nhân công chi phí thấp.

Đặc biệt đối với ngành gỗ - ngành thâm dụng lao động thì chủ yếu vẫn đang dựa vào 2 lợi thế so sánh trên. Đó là lý do ngành gỗ có lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về lại không cao.

“Trong ngành gỗ hầu hết mức lương phải trên 1000 USD ở Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, nhưng riêng Việt Nam, chúng tôi tính bình quân chỉ từ 300 USD đến 400 USD, cho nên chúng ta tỏ ra là có năng lực cạnh tranh”, ông Hoài cho biết.

Vị này cho rằng sự việc thuế đối ứng của Mỹ càng cho thấy rõ hơn điều này, tức Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng vẫn chủ yếu “lấy công làm lãi”. Do đó doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, kể cả hiện tại Mỹ đang tạm áp mức thuế trần 10% trong 90 ngày, chưa nói tới việc áp mức thuế 46%.

“Các doanh nghiệp của chúng tôi hiện nay đang đôn đáo đàm phán với đối tác nước ngoài. Vì với mức thuế 10%, đối tác đề nghị chia đôi, mỗi bên chịu một ít. Nhưng thường phía Việt Nam nói rằng họ chỉ lãi được dưới 5% thì làm sao chịu được một nửa thuế. Chúng tôi bán giá FOB (giá trị hàng hóa đã giao lên tàu - PV) thì các ông phải đẩy về phía người tiêu dùng Mỹ, tại sao bắt chúng tôi chia sẻ 5%, chưa nói tới việc thuế 46% coi như sẽ không xuất khẩu được”, ông Hoài cho hay.

Lương công nhân gỗ Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều trên 1.000 USD, riêng công nhân gỗ Việt Nam chỉ nhận từ 300 – 400 USD- Ảnh 2.

Vị này cho rằng trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động như hiện nay, các ngành hàng thậm chí sẽ phải hy sinh tăng trưởng về số lượng, khối lượng để tập trung tăng chất lượng cho các sản phẩm “Made in Việt Nam”. Ví dụ trong ngành gỗ có thể làm ít hơn nhưng làm sao nâng phần Việt Nam được hưởng cao hơn, biên lợi nhuận cao hơn.

Thực tế, ông Hoài cho biết trong ngành gỗ có một số doanh nghiệp làm được điều này, tuy nhiên tỷ lệ còn thấp, chỉ 5-7% trong tổng số doanh nghiệp. Họ lựa chọn “không bỏ trứng vào một giỏ” mà cùng lúc xuất khẩu tới 3-4 thị trường, vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa đẩy mạnh thị trường nội địa. Vì vậy trước việc áp thuế đối ứng, họ cũng vẫn “dễ thở”.

“Có một số doanh nghiệp họ vượt qua cả xuất khẩu, tức không chỉ sản xuất cái bàn, cái ghế theo các mẫu mã, đơn hàng từ nước ngoài dạng gia công OEM, mà họ đã xây dựng thương hiệu riêng, chủ động thiết kế và thậm chí đấu thầu để xuất khẩu cả một không gian nội thất. Họ đã có được những cái hợp đồng rất khá như làm nội thất cho khách sạn 5 sao, làm những cung điện ở Trung Đông, ở Anh, ở Mỹ… nên trước sóng gió bên ngoài họ không bị tác động gì lớn”, ông Hoài nêu ví dụ.

Hiện cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ. Tổng số lao động trong ngành là hơn 500.000 lao động, trong đó lao động được đào tạo, làm việc ổn định chiếm 55-60%, còn lại là lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40-45% tổng số lao động.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cả năm 2024 đạt 15,89 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tới 55,4%.

Tính chung 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỷ USD; tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ, nhóm chế biến sâu đạt 2,68 tỷ USD; tăng 11,1% so với 3 tháng đầu năm 2024.