Sinh viên sư phạm không thiếu cơ hội việc làm sau sáp nhập tỉnh

Dù quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính đang được triển khai, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm, đặc biệt là những người thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 116 sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.

Sinh viên sư phạm không thiếu cơ hội việc làm sau sáp nhập tỉnh
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh. Ảnh: website nhà trường

Từ năm học 2021-2022, Nghị định 116/2020/NĐ-CP bắt đầu được áp dụng, với chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên theo học ngành sư phạm. Khóa sinh viên đầu tiên thuộc diện thụ hưởng chính sách này dự kiến tốt nghiệp vào khoảng tháng 5-6/2025, đúng vào thời điểm nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính.

>>Hàng chục tấn thuốc giả bị triệt phá: Bác sĩ cảnh báo nguyên tắc '2 có – 3 không' khi mua thuốc

Điều này khiến không ít người băn khoăn liệu quá trình tái cơ cấu địa phương có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và lãnh đạo cơ sở đào tạo, quá trình đào tạo và tuyển dụng giáo viên là hai quy trình độc lập, và việc sáp nhập hành chính không đồng nghĩa với thu hẹp đầu ra cho sinh viên sư phạm.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, Nghị định 116 chỉ quy định việc hỗ trợ tài chính cho sinh viên sư phạm trong quá trình học, nhằm khuyến khích người học theo đuổi nghề giáo. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này không đồng nghĩa với việc sinh viên sẽ được ưu tiên hay đảm bảo tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Tuyển dụng giáo viên vẫn thực hiện theo quy trình thi tuyển, xét tuyển theo quy định chung của Chính phủ, bảo đảm công bằng và dựa trên năng lực thực tế của ứng viên.

Theo ông Tiến, sáp nhập hành chính chủ yếu ảnh hưởng đến bộ máy quản lý nhà nước và các đơn vị hành chính, chứ không tác động trực tiếp đến nhu cầu giáo viên trong các cơ sở giáo dục. Nhu cầu này phụ thuộc vào biến động dân số, số lượng học sinh và quy mô lớp học. Trong nhiều trường hợp, dân số tăng sau sáp nhập thậm chí còn làm gia tăng nhu cầu tuyển dụng giáo viên.

Tại Trường Đại học Tân Trào nơi có đông sinh viên đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc, Hiệu trưởng Nguyễn Minh Anh Tuấn cho biết, nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở các địa phương như Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên vẫn rất lớn. Tỷ lệ sinh viên sư phạm có việc làm sau tốt nghiệp tại trường luôn duy trì ở mức cao, theo các khảo sát định kỳ.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh: việc nhận hỗ trợ theo Nghị định 116 không đồng nghĩa với việc được đảm bảo có việc làm. Sinh viên vẫn phải thi tuyển như các đối tượng khác. Trường hợp không được tuyển dụng, sinh viên phải hoàn trả toàn bộ khoản kinh phí hỗ trợ trong thời gian học. Đây là quy định nhằm đảm bảo tính công bằng, đồng thời thúc đẩy sinh viên chủ động hơn trong việc tìm kiếm việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Để hỗ trợ sinh viên trong bối cảnh thị trường tuyển dụng biến động, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp: mở rộng mạng lưới liên kết với các cơ sở giáo dục, tổ chức ngày hội việc làm, tạo điều kiện học song ngành, và khuyến khích sinh viên khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục hoặc làm việc ở các ngành nghề liên quan.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định: quá trình sáp nhập tỉnh có thể tạo ra địa bàn hành chính rộng hơn, đồng nghĩa với việc mở rộng cơ hội việc làm. “Nhiều sinh viên trước đây chỉ nghĩ đến việc trở về xã, huyện giảng dạy. Nhưng với quy mô hành chính mới, họ có thể chủ động tìm việc ở nhiều địa phương hơn, trong môi trường phong phú và tiềm năng hơn”, ông Thắng nói.

Ông cũng cho biết, chính sách tự chủ và cơ chế lương gắn với hiệu quả công việc (KPI) đang dần thay thế hình thức biên chế truyền thống. Điều này cho phép các trường đánh giá chất lượng giáo viên một cách linh hoạt, đồng thời mở cửa cho những người trẻ có năng lực.

Hiện tại, Trường Đại học An Giang chỉ có tỉnh Long An là đơn vị đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116. Việc sáp nhập dự kiến giữa An Giang và Kiên Giang vào năm 2025 sẽ không ảnh hưởng đến chính sách này.

Trước những thay đổi do sáp nhập hành chính, các chuyên gia kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường sư phạm, địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các tỉnh cần xác định rõ nhu cầu giáo viên hằng năm, ký cam kết tuyển dụng với các cơ sở đào tạo để tạo sự yên tâm cho sinh viên.

Ngoài ra, các chương trình học bổng, hỗ trợ tài chính cần ưu tiên sinh viên sư phạm sẵn sàng làm việc tại các địa phương mới sáp nhập. Việc điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt cho phép sinh viên giảng dạy đa môn hoặc tham gia vào các lĩnh vực như quản lý giáo dục, tư vấn học đường cũng là xu hướng cần thiết để thích ứng với thị trường lao động đang thay đổi.

>>Chân dung đối tượng sinh năm 1991 cầm đầu đường dây thuốc giả ở Thanh Hóa thu lợi bất chính 200 tỷ đồng