Trận chung kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan vào tối ngày 5/1 đã khép lại giải đấu ASEAN Cup 2024. Những ngày qua, bên cạnh trận đấu kịch tính giữa 2 đội tuyển, giới truyền thông Đông Nam Á cũng đặc biệt chú ý đến bà Nualphan Lamsam (Madam Pang) - nữ doanh nhân quyền lực kiêm Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Bóng đá Thái Lan.
Theo tờ Thairath, Madam Pang đã hỗ trợ chi phí y tế và cung cấp sự chăm sóc đầy đủ cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son trước khi anh bay về Việt Nam cùng đội tuyển. Cầu thủ này đã dính chấn thương ở hiệp 1 trong trận chung kết lượt về trên sân vận động Rajamangala và được đưa vào bệnh viện ở Thái Lan.
Madam Pang sinh năm 1966 tại Bangkok, Thái Lan. Bà là hậu duệ đời thứ năm của dòng họ Lamsam - một trong những gia tộc giàu có bậc nhất tại Thái Lan. Gia tộc này khởi nghiệp từ kinh doanh gỗ và xay xát gạo, sau đó mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm.
Gia tộc Lamsam chính là nhà sáng lập Ngân hàng Kasikorn (KBank). Đây là một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan với tổng tài sản khoảng 100 tỷ USD, cùng danh mục đầu tư đa dạng gồm nhiều công ty bảo hiểm lớn. Hiện tại, Madam Pang giữ vai trò Giám đốc điều hành tại ngân hàng này.
Ngoài ra, Madam Pang còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Bảo hiểm Muang Thai, Chủ tịch CLB bóng đá Port FC, Chủ tịch Quỹ xúc tiến văn hóa Thái Lan… Bà cũng sở hữu công ty chuyên nhập khẩu các sản phẩm hàng hiệu từ nước ngoài về Thái Lan.
Madam Pang đã hỗ trợ chi phí y tế cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son tại Thái Lan. Ảnh: Madam Pang |
Không chỉ thành công tại Thái Lan, Madam Pang và KBank đã gia nhập vào thị trường Việt Nam.
Tháng 8/2022, KBank khai trương chi nhánh đầu tiên tại TP. HCM với khoản đầu tư 560 triệu USD, đặt mục tiêu tiếp cận 1,2 triệu khách hàng trong năm đầu tiên và củng cố mạng lưới dịch vụ trong nhóm ASEAN+3 (ASEAN + Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc).
KBank cho biết, Việt Nam được xem là trọng điểm phát triển tại khu vực Đông Nam Á của nhà băng này bởi Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật, có thể giúp đất nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, Chính phủ cũng có những chính sách chèo lái kinh tế tốt.
Chi nhánh KBank tại TP. HCM. Ảnh: KBank |
Trước khi thành lập chi nhánh đầu tiên tại TP. HCM, năm 2021, KBank đã mở một văn phòng đại diện tại Hà Nội. Đến tháng 8/2023, tại trụ sở ở Bangkok, Chủ tịch Pipit Aneaknithi cho biết ngân hàng sẽ tăng ngân sách đầu tư tại Việt Nam lên hơn 1 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2027. Trong đó, 735 triệu USD sẽ đầu tư vào hoạt động ngân hàng; số tiền còn lại dành cho 2 công ty con của KBank tại Việt Nam là quỹ đầu tư KVision (336 triệu USD) và công ty công nghệ Kasikorn - KBTG (7 triệu USD).
Dự kiến, lực lượng nhân sự tại Việt Nam sẽ tăng từ 350 người vào năm 2023 lên 1.700 người trong năm 2027.
Tháng 6/2023, KBTG Việt Nam, cơ sở thứ 3 của KBTG tại châu Á được thành lập nhằm tuyển dụng nhân tài công nghệ thông tin và hỗ trợ KBank mở rộng thị trường tại Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực ASEAN+3.
Đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa tham vọng của KBank trở thành một trong 20 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2027.
>> Đội tuyển Việt Nam được thưởng bao nhiêu sau khi vô địch ASEAN Cup 2024?