Mới hôm qua, người dân xếp hàng tại nhiều cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội)… chỉ mua được nhiều lắm 2-3 chỉ vàng nhẫn. Thậm chí, chỉ đến khoảng 10h sáng ngày 4/2, có cửa hàng thông báo hết vàng.
Thế nhưng, sáng nay, khi giá vàng trong nước tăng mạnh lên hơn 90 triệu đồng/lượng, các cửa hàng lại bắt đầu bán vàng nhẫn không giới hạn. Theo đó, người dân chỉ việc xếp hàng chờ đến lượt vào mua.
Người dân xếp hàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) sáng 4/2 (ảnh: N.M). |
Tại phố vàng Trần Nhân Tông, đứng xếp hàng vào dòng người chờ tới lượt mua, chị Bích Phương (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi có mặt tại đây từ lúc 8h sáng đã thấy đông người đứng đợi nhưng cửa hàng chưa mở cửa. Khi cửa hàng giao dịch lúc 9h, tôi vẫn phải mất 1 tiếng chờ đợt nữa mới tới lượt vào trong mua vàng.
Hôm qua, cửa hàng giới hạn mỗi người chỉ được mua 1 chỉ, hôm nay tôi bất ngờ thấy thông báo được mua thoải mái nên mua 1 cây vàng. Dù giá vàng đang cao nhưng tôi mua tích trữ nên giá cao nữa vẫn mua”.
Nhiều khách ngỡ ngàng vì giá vàng nhẫn liên tục lập đỉnh lên hơn 90 triệu đồng/lượng (ảnh: N.M). |
Cũng chờ đợi hơn 1 tiếng mới mua được vàng, anh Ngọc Thắng (Long Biên, Hà Nội) mua 5 chỉ vàng cho hay: “Tôi sợ ngày vía Thần tài đông nên tranh thủ mua ngay từ đầu năm. Năm nào tôi cũng mua 1-5 chỉ vàng dịp đầu năm để lấy may”.
Trong số dòng người xếp hàng mua vàng vẫn có người đi bán. Đứng sau 60 người, anh Nguyễn Mạnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bán 3 lượng vàng nhẫn, chia sẻ: “Do gia đình tôi có việc nên tôi đem vàng đi bán. Hôm nay thấy giá vàng lại tăng nên lợi nhuận lại tăng thêm nữa. Tôi mua vàng lúc giá 78 triệu đồng/lượng trong năm 2024”.
Càng về trưa, khách xếp hàng càng đông kéo dài gần hết một đoạn đường (ảnh: N.M). |
Vào lúc 16h, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 88,5 - 90,55 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Cửa hàng này niêm yết giá mua vào vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC. Chỉ trong 2 ngày, giá vàng nhẫn tăng gần 2 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia tài chính Bùi Quang Huy phân tích, hiện tại, giá vàng thế giới đã đạt mức cao kỷ lục, vượt 2.800 USD/ounce. Xu hướng tăng mạnh của vàng xuất phát từ nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị phức tạp trên toàn cầu.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất, báo hiệu xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, làm giảm giá trị đồng Euro, từ đó thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản bảo toàn giá trị. Mỹ kích hoạt các biện pháp cứng rắn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Canada, Mexico bằng cách tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia này. Điều này làm gia tăng căng thẳng thương mại, gây bất ổn cho thị trường tài chính.
Hiện, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Mỹ tuyên bố kiểm soát lại kênh đào Panama, đồng thời có kế hoạch sáp nhập quần đảo Greenland của Đan Mạch vào lãnh thổ Mỹ. Những động thái này làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn chính trị và trật tự kinh tế toàn cầu.
Như vậy, khi rủi ro gia tăng, các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng tăng cao. Nếu căng thẳng kinh tế và chính trị tiếp tục kéo dài, giá vàng thế giới có thể duy trì ở mức 2.800 - 3.000 USD/ounce.
"Giá vàng trong nước sẽ tăng theo xu hướng của giá vàng thế giới, nhưng mức tăng sẽ còn phụ thuộc vào các chính sách điều tiết thị trường của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam", ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng các công cụ can thiệp như điều tiết nguồn cung vàng, bán vàng dự trữ hoặc kiểm soát chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Việc siết chặt quản lý thị trường vàng sẽ giúp hạn chế đầu cơ, giảm thiểu rủi ro biến động mạnh.
Trước biến động của giá vàng, ông Huy đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nên hạn chế đầu tư tích trữ vàng, vì đây là mặt hàng có rủi ro cao, biến động khó lường. Giá vàng chịu ảnh hưởng từ quá nhiều yếu tố như chính sách tiền tệ, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu thị trường, nên không phải là kênh đầu tư bền vững.
"Nền kinh tế đang bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ với sự bùng nổ của hạ tầng, công nghệ, thu hút vốn FDI ngày càng lớn. Điều này mang lại nhiều cơ hội khởi nghiệp, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực công nghệ cao hơn là đầu tư tích trữ vàng. Nhà đầu tư nên cân nhắc phân bổ vốn hợp lý, tìm kiếm các kênh đầu tư dài hạn có giá trị gia tăng cao thay vì chạy theo xu hướng ngắn hạn của giá vàng", ông Huy cho hay.
>>Giá vàng miếng SJC áp sát đỉnh lịch sử, vàng nhẫn tăng cao chưa từng thấy