Đổ mồ hôi kiếm tiền ở Hà Nội, nhưng sau 3 năm số dư tài khoản chẳng khác gì ngày đầu

Ba năm trước, Minh Trang, 26 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học và ở lại làm việc tại Hà Nội. Khởi đầu với mức lương 8 triệu đồng/tháng, cô không ngừng nỗ lực, từng bước thăng tiến lên vị trí trưởng nhóm, nâng thu nhập lên 15 triệu đồng. Những tưởng mức lương này sẽ giúp cô có cuộc sống dư dả hơn, nhưng thực tế phũ phàng hơn cô nghĩ. Không phải vì tiêu xài hoang phí, mà bởi chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn rất nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Mỗi cuối tháng, nhìn số dư tài khoản gần như cạn kiệt, cô chỉ biết tự hỏi: “Tiền đã đi đâu hết?”

Chi tiêu mỗi tháng: Tiền chưa vào tay đã vội rời đi

Trang thuê một căn chung cư mini 20m² tại Thanh Xuân với giá 4 triệu đồng/tháng. Tiền điện, nước, internet và phí dịch vụ phát sinh thêm 1 triệu đồng nữa. Cô đã lựa chọn nơi ở tiết kiệm nhất có thể nhưng giá thuê nhà ở Hà Nội vẫn là một gánh nặng. Mỗi tháng chi hơn 5 triệu chỉ để có chỗ ở khiến cô luôn trong tình trạng căng thẳng về tài chính.

Bên cạnh tiền thuê nhà, ăn uống cũng là một khoản chi không hề nhỏ. Vì công việc bận rộn, việc tự nấu ăn gần như là điều xa xỉ. Thói quen đặt đồ ăn ngoài dần trở thành một phần của cuộc sống, với chi phí trung bình khoảng 150.000 đồng mỗi ngày. Những buổi tụ tập bạn bè, cà phê cuối tuần khiến con số này càng tăng thêm. Cô từng quyết tâm cắt giảm bằng cách tự nấu ăn, nhưng chỉ duy trì được một thời gian ngắn trước khi rơi vào vòng lặp cũ. Đến cuối tháng, nhìn tổng số tiền chi cho ăn uống lên tới 4 - 5 triệu đồng, cô không khỏi giật mình.

Đổ mồ hôi kiếm tiền ở Hà Nội, nhưng sau 3 năm số dư tài khoản chẳng khác gì ngày đầu
Cô chỉ biết tự hỏi: “Tiền đã đi đâu hết?”. Ảnh minh họa

Không chỉ dừng lại ở đó, chi phí đi lại, mua sắm và chăm sóc bản thân cũng chiếm một khoản đáng kể. Xăng xe, gửi xe mỗi tháng tiêu tốn khoảng 1 triệu đồng. Những lần mua sắm quần áo, mỹ phẩm hay đăng ký tập gym dù không thường xuyên nhưng cũng dễ dàng đẩy tổng chi phí lên 3 - 4 triệu đồng/tháng. Dù đôi lúc cô tự nhủ sẽ cắt giảm, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng làm được. Mọi thứ cứ thế cuốn đi, còn tiền tiết kiệm thì vẫn không thể tăng lên.

Sau khi trừ hết tất cả chi phí cố định, số tiền dư lại mỗi tháng chỉ vỏn vẹn vài trăm nghìn đến một triệu đồng, hoàn toàn không đủ để xây dựng một khoản tiết kiệm. Những tháng phát sinh chi phí như đám cưới bạn bè, sửa xe hay một chuyến du lịch ngắn ngày, cô thậm chí phải tiêu lấn sang lương tháng sau. Những ngày đầu mới đi làm, cô từng nghĩ rằng lương 15 triệu là ổn, nhưng thực tế mức thu nhập này vẫn chưa thể giúp cô an tâm tài chính.

Giải pháp nào cho người trẻ trước vòng xoáy chi tiêu?

Giữa vòng xoáy chi tiêu không ngừng tăng, nhiều người trẻ loay hoay tìm cách cân bằng tài chính mà không phải đánh đổi quá nhiều chất lượng cuộc sống. Câu chuyện của Trang chỉ là một góc nhìn trong bức tranh chung về áp lực tài chính tại các thành phố lớn. Thực tế, có nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng này, tùy thuộc vào hoàn cảnh và ưu tiên của mỗi người.

Một số bạn trẻ chọn cách sống tối giản, hạn chế chi tiêu vào những thứ không thực sự cần thiết. Họ cắt giảm các khoản mua sắm không quan trọng, tìm kiếm những trải nghiệm thay thế ít tốn kém hơn như tự nấu ăn thay vì ăn hàng, sử dụng phương tiện công cộng thay vì mua xe. Tuy nhiên, chỉ tiết kiệm thôi không đủ nếu thu nhập không đáp ứng nhu cầu cơ bản và các mục tiêu tài chính dài hạn.

Một hướng tiếp cận khác là tối ưu hóa thu nhập. Nhiều người tìm kiếm cơ hội tăng lương bằng cách học thêm kỹ năng mới, chuyển đổi công việc hoặc làm thêm ngoài giờ. Các nguồn thu nhập thụ động như đầu tư tài chính, cho thuê tài sản hoặc kinh doanh nhỏ cũng là giải pháp giúp họ có thêm khoản dư để tiết kiệm. Đặc biệt, khi làm việc tại các thành phố lớn, việc tận dụng các cơ hội phát triển nghề nghiệp có thể là chìa khóa để vượt qua áp lực chi tiêu ngày càng tăng.

Ngoài ra, một số bạn trẻ chấp nhận rời thành phố về quê hoặc chuyển đến các khu vực có chi phí sống thấp hơn. Dù mức lương có thể giảm, nhưng bù lại, họ có cơ hội sống thoải mái hơn, tiết kiệm được nhiều hơn và có thời gian đầu tư cho bản thân theo cách bền vững hơn.

Không có một công thức chung cho tất cả, nhưng điều quan trọng là tìm ra chiến lược phù hợp với hoàn cảnh của mình. Chi tiêu có kiểm soát, không ngừng nâng cao thu nhập và linh hoạt trong lựa chọn sống là những yếu tố then chốt giúp người trẻ vượt qua vòng xoáy tài chính một cách chủ động và hiệu quả.

>> Muốn giàu có? Học ngay 5 quy tắc quản lý tài chính cá nhân đơn giản này