Gần đây, loạt ngân hàng đã đồng loạt phát đi thông báo về việc sẽ khóa giao dịch, đóng tài khoản thanh toán nếu không phát sinh giao dịch và duy trì số dư tối thiểu trong một thời gian nhất định. Quy định này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài khoản, tránh lãng phí tài nguyên hệ thống và đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Từ ngày 1/7/2025, Woori Bank sẽ tiến hành phân loại tài khoản không phát sinh giao dịch (ngoại trừ trả lãi tiền gửi không kỳ hạn) trong ít nhất 12 tháng liên tiếp. Việc phân loại sẽ được thực hiện định kỳ vào thứ Bảy của tuần thứ ba hàng tháng.
Theo đó, nếu tài khoản có số dư dưới mức tối thiểu nhưng lớn hơn 0 đồng, sẽ bị chuyển sang trạng thái “không hoạt động”. Trong trường hợp tài khoản có số dư bằng 0, ngân hàng sẽ chuyển sang trạng thái “tạm ngưng”.
Trước khi chuyển trạng thái, Woori Bank sẽ gửi thông báo đến khách hàng vào ngày làm việc thứ hai hàng tháng. Sau khi chuyển đổi, các tài khoản này sẽ bị khóa giao dịch ghi nợ trên tất cả các kênh như Internet Banking, Mobile Banking, ATM, POS và tại quầy, trừ các giao dịch trích nợ tự động. Ngoài ra, tài khoản không hoạt động sẽ bị thu phí quản lý hàng tháng.
LPBank thông báo sẽ đóng các tài khoản không có số dư và không hoạt động liên tục trong vòng 12 tháng, bắt đầu từ sau ngày 15/7/2025. Để tránh bị đóng tài khoản, khách hàng cần thực hiện ít nhất một giao dịch tài chính như nạp tiền, chuyển khoản hoặc đăng nhập ứng dụng ngân hàng số LPBank để giao dịch.
Sacombank cũng đã thông báo sẽ đóng các tài khoản có số dư bằng 0 và không phát sinh giao dịch trong thời gian tối thiểu 6 tháng. Khách hàng muốn tiếp tục sử dụng cần nạp tiền hoặc giao dịch trước ngày 11/7/2025.
![]() |
Gần đây, loạt ngân hàng đã đồng loạt phát đi thông báo về việc sẽ khóa giao dịch, đóng tài khoản thanh toán nếu không phát sinh giao dịch và duy trì số dư tối thiểu trong một thời gian nhất định. |
Không chỉ Woori Bank, LPBank hay Sacombank, nhiều ngân hàng khác như Agribank, BIDV, VPBank, Techcombank... cũng áp dụng chính sách siết chặt đối với tài khoản không hoạt động.
Agribank sẽ đóng các tài khoản không hoạt động liên tục quá 36 tháng, đồng thời có số dư dưới mức tối thiểu (50.000 VND với cá nhân và 1 triệu VND với tổ chức).
BIDV quy định nếu tài khoản có số dư bằng 0 và không phát sinh giao dịch trong 6 tháng sẽ bị khóa. Để duy trì, khách hàng cần chuyển thêm tiền để đảm bảo số dư tối thiểu 50.000 đồng. Nếu bị đóng, khách hàng phải đăng ký mở tài khoản mới.
VPBank sẽ đóng tài khoản thanh toán sau 360 ngày kể từ thời điểm xác định tài khoản ở trạng thái không hoạt động và có số dư bằng 0. Trước đó 7 ngày, ngân hàng sẽ gửi cảnh báo tới khách hàng.
Techcombank thực hiện đóng tài khoản không phát sinh giao dịch chủ động trong ít nhất 12 tháng và có số dư còn lại dưới 50.000 đồng (hoặc 5 USD/5 EUR), sau khi đã trừ phí.
Dù không sử dụng thường xuyên, khách hàng vẫn nên duy trì một khoản tiền nhỏ trong tài khoản, hoặc định kỳ thực hiện các giao dịch nhỏ để tránh rơi vào diện bị khóa hoặc đóng tài khoản. Việc bị đóng tài khoản không chỉ gây bất tiện mà còn khiến khách hàng mất thời gian làm lại các thủ tục mở mới và kết nối lại các dịch vụ liên quan như ví điện tử, thanh toán hóa đơn, nhận lương...
>> Từ 15/9, ngân hàng phải vượt '4 lớp vốn' mới được chia lợi nhuận bằng tiền mặt