Lo nguy cơ giá cả sắp 'leo thang'

Giá thực phẩm, giá điện tăng

Theo Cục Thống kê - Bộ Tài chính, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu hằng ngày của người dân đã tăng giá gần 3,7%. Riêng thực phẩm tăng 4,1%, làm CPI tăng 1,2 điểm phần trăm.

Giá thịt lợn đã tăng hơn 12%, chủ yếu do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết.

Ngoài ra, nhóm thuốc và dịch vụ y tế cũng tăng mạnh gần 13,8%, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,5% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. CPI có thể không phản ánh đầy đủ, chính xác chi phí sinh hoạt thực tế của người dân, tuy nhiên, những biến động theo chiều hướng tăng của nhiều nhóm hàng, dịch vụ thiết yếu như thịt lợn, thực phẩm tăng đồng nghĩa với bữa ăn hằng ngày trở nên đắt đỏ hơn.

screen-shot-2025-07-18-at-154143.pngCPI đều tăng trong 3 tháng gần nhất, bình quân 6 tháng tăng hơn 3,2%. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Đồ hoạ: Vietstock.

Việc hỗ trợ thu nhập cho cán bộ, công chức, người lao động khi sắp xếp lại bộ máy, qua đó tăng cung tiền trong nền kinh tế, đặt ra lo ngại về nguy cơ giá cả leo thang, ảnh hưởng đến đời sống người dân - nhất là người thu nhập thấp, đối tượng yếu thế. Đây cũng là vấn đề cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi "chất vấn" Bộ Tài chính.

Trước kiến nghị cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả để tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm, các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường sẽ được triển khai quyết liệt. Việc định giá hàng hóa, dịch vụ vẫn đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp, nhưng cơ quan chức năng sẽ can thiệp khi giá cả biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Chính sách tài khóa thời gian qua được phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm giữ ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, đồng thời tạo dư địa hỗ trợ người nghèo, hộ khó khăn và các đối tượng chính sách.

Xây dựng kịch bản điều hành giá phù hợp từng thời điểm

Bộ Tài chính cho biết, đang phối hợp với các bộ, ngành để theo dõi sát cung - cầu, giá cả hàng hóa, xây dựng kịch bản điều hành giá phù hợp từng thời điểm, nhằm kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định thị trường. Đặc biệt, Chỉ thị 15 về tăng cường chấp hành quy định pháp luật về giá của Thủ tướng được ban hành mới đây yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi tăng giá vô lý, thao túng giá, niêm yết không rõ ràng.

Bên cạnh đó, bộ này cũng đang từng bước điều chỉnh giá dịch vụ công và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo hướng bám sát thị trường. Các phương án điều chỉnh giá được chuẩn bị sẵn để kịp thời áp dụng khi cần, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và không gây xáo trộn lớn cho mặt bằng giá chung.

img-5398-sao-chep.jpgCPI bình quân 6 tháng tăng 3,27%, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Ảnh minh hoạ: Như Ý.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Dịch vụ và giá (Cục Thống kê) cho biết, do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên, nhiên liệu, bất kỳ biến động nào của giá cả thế giới cũng có thể khiến chi phí sản xuất trong nước tăng lên, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng leo thang.

Đồng USD tăng giá thời gian qua còn khiến chi phí nhập khẩu trở nên đắt đỏ, tạo thêm áp lực lên mặt bằng giá trong nước, nhất là với những mặt hàng thiết yếu, gắn liền với đời sống người dân.

"Các chương trình hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, dịch vụ du lịch phát triển mạnh… cũng có thể gây áp lực lên mặt bằng giá. Ngân hàng Nhà nước đã giữ lãi suất điều hành thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nếu tín dụng tăng mạnh trở lại, có thể kích thích cầu tiêu dùng và đầu tư, tạo áp lực cầu kéo", bà Oanh phân tích.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/6 , tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Với dư nợ vào cuối năm 2024 ở mức 15,6 triệu tỷ đồng, ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm thêm ra nền kinh tế khoảng 1,6 triệu tỷ đồng trong 6 tháng qua.

Trước thực tế đó, cơ quan thống kê đề nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu… để kịp thời điều hành, tránh tăng giá bất hợp lý; cần bảo đảm nguồn cung, kiểm soát tin đồn thất thiệt, xử lý nghiêm hành vi găm hàng, thổi giá, góp phần giữ ổn định thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và đời sống người dân.

>>Giảm thuế VAT: 'Liều doping' cho sản xuất, tiêu dùng