Theo Báo cáo Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam, đến năm 2025, ngành CNTT sẽ cần khoảng 700.000 nhân lực mới. Tuy nhiên, nguồn cung hiện tại từ các cơ sở đào tạo trong nước chỉ đáp ứng khoảng 500.000 người, tạo ra khoảng trống gần 200.000 lao động – một con số đáng báo động trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu về phát triển kinh tế số.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam hiện có hơn 74.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, sử dụng khoảng 1,2 triệu lao động. Dự báo đến năm 2030, lực lượng lao động trong lĩnh vực này có thể đạt tới 3 triệu người, khi nền kinh tế số được kỳ vọng cán mốc 74 tỷ USD. Tuy nhiên, thách thức về nguồn nhân lực vẫn đang là rào cản lớn, mặc dù ngành này vốn được xem là có thu nhập hấp dẫn.
Trong bối cảnh toàn cầu bước vào kỷ nguyên số, lợi thế chi phí nhân công thấp của Việt Nam không còn đủ để cạnh tranh. Thay vào đó, thị trường cần một thế hệ lao động có trình độ chuyên môn cao, khả năng cập nhật công nghệ mới nhanh chóng và linh hoạt.
![]() |
Mỗi năm, các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam đào tạo khoảng 50.000 sinh viên chuyên ngành CNTT. Ảnh minh hoạ |
>> 6 nghề 'hái ra tiền' trong lĩnh vực công nghệ thông tin: Cơ hội bùng nổ trong 10 năm tới
Mỗi năm, các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam đào tạo khoảng 50.000 sinh viên chuyên ngành CNTT, nhưng chỉ 30% trong số đó có thể đi làm ngay sau khi ra trường, phần lớn còn lại cần được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Khoảng cách giữa đào tạo học thuật và nhu cầu thị trường đang tạo ra lỗ hổng lớn trong chất lượng nhân sự.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng năm 2024, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ và đóng góp tới 18% GDP. Lợi nhuận toàn ngành ước tăng 17,5%, cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng khi xuất khẩu phần mềm, phần cứng và dịch vụ CNTT phục hồi mạnh mẽ.
Trong chiến lược phát triển quốc gia, Chính phủ đang đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số trong khu vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Chiến lược này chia làm ba giai đoạn, với mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành trung tâm lắp ráp, thiết kế chip và thử nghiệm công nghệ, tận dụng lợi thế về chi phí và vị trí địa lý. Trong giai đoạn sau năm 2030, mục tiêu là làm chủ nghiên cứu và phát triển, vươn tầm trung tâm bán dẫn toàn cầu.
>> Ngành học ‘vàng’ thời 4.0: Thu nhập 150 triệu/tháng, Việt Nam khát 50.000 nhân sự