Ngân hàng TMCP Á Châu (MCK: ACB, sàn HoSE) vừa cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ, tính đến ngày 21/5.
Theo đó, tổ chức Employees Provident Fund Board (EPF) hiện nắm giữ hơn 45,6 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1,021% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Được biết, EPF được thành lập vào năm 1951. Tổ chức này hoạt động như một công ty quản lý quỹ, phục vụ khách hàng tại Malaysia. Công ty cung cấp quỹ hưu trí bắt buộc (retirement provident fund) và các dịch vụ tài chính khác.

Một quỹ đầu tư Malaysia nắm giữ 1% vốn điều lệ ACB
Trước đó, tại lần cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ ACB ngày 29/4, bà Nguyễn Thiên Hương Jenny đã nâng tỷ lệ sở hữu tại ACB lên hơn 63,2 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 1,416%. Số lượng cổ phần của người có liên quan đến bà Nguyễn Thiên Hương Jenny là hơn 111,5 triệu cổ phần, tương ứng 2,497%.
Ông Nguyễn Đức Hiếu Johnny cũng gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên hơn 51 triệu cổ phần (tương ứng tỷ lệ 1,142%). Người có liên quan của ông Nguyễn Đức Hiếu Johnny hiện đang nắm giữ hơn 123,7 triệu cổ phần, tương đương 2,77%.
Được biết, Nguyễn Thiên Hương Jenny và Nguyễn Đức Hiếu Johnny là 2 con của bà Ngô Thu Thúy- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Âu Lạc.
Đáng chú ý, theo công bố bổ sung thông tin về cổ đông nắm 1% vốn điều lệ trở lên ngày 10/9/2024 của ACB, Công ty CP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương cũng nắm gần 58,6 triệu cổ phần ACB, tương ứng 1,3% vốn. Còn người có liên quan đến doanh nghiệp này nắm hơn 107,7 triệu cổ phần, tức sở hữu 2,4% vốn ACB.
Làng giáo dục Quốc tế Thiên Hương được biết đến là thành viên trong hệ sinh thái Âu Lạc của nữ đại gia Ngô Thu Thúy. Bà Thúy hiện đang là Chủ tịch HĐQT Làng giáo dục Quốc tế Thiên Hương.
Như vậy, 3 cổ đông thuộc nhóm Âu Lạc đã nâng tỷ lệ sở hữu tại ACB từ 3,724% lên gần 3,86%. Tạm tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu ACB, số lượng cổ phần nhóm cổ đông này đang sở hữu có giá trị gần 4.080 tỷ đồng.
Trong diễn biến khác, ACB vừa thông báo ngày 26/5 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2024 bằng tiền và cổ phiếu.
Theo đó, ngày 5/6 sắp tới, ACB sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%/cổ phiếu, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng cổ tức. Với 4,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ACB dự chi 4.466,6 tỷ đồng để trả cổ tức.
Đối với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, ACB dự kiến thực hiện theo tỷ lệ 15%, tương đương phát hành tối đa gần 670 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện 100:15, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới.
Đây là phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra vào ngày 8/4 thông qua. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên tối đa 51.367 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2025.
Về tình hình kinh doanh trong quý I/2025, ACB mang về thu nhập lãi thuần gần 6.359 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi thuần từ dịch vụ tăng 17% lên 872 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp đôi lên 475 tỷ đồng...
Trong kỳ, ACB tăng 22% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên mức 626 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận trước thuế giảm 6% về mức gần 4.597 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của ACB ghi nhận 8.844 tỷ đồng, tăng 2% sau 3 tháng đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ từ 1,5 lên 1,51% tại thời điểm cuối tháng 3/2025.