Từng là dân công nghệ với công việc ổn định ở TP HCM, anh Khưu Văn Chương quyết định trở về quê trồng nhàu, loại cây mọc dại ven sông rạch và bất ngờ thành công với doanh thu hơn một tỷ đồng mỗi năm.
![]() |
Từ bỏ công việc ổn định, anh Chương về quê trồng cây nhàu và thu hơn một tỷ đồng mỗi năm. |
Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, anh Khưu Văn Chương (sinh năm 1979, quê xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) từng có nhiều năm làm việc tại một công ty viễn thông ở TP HCM với mức lương ổn định. Thế nhưng, sau những lần trở về quê, anh bắt đầu ấp ủ giấc mơ làm nông nghiệp.
>>Một quốc gia Đông Nam Á đặt mục tiêu vượt Việt Nam, vươn lên vị trí thứ hai thế giới về sản xuất cà phê
Theo lời anh, cây nhàu vốn mọc dại nhiều ở miền Tây, nhất là ven các kênh rạch. Cây cho trái quanh năm, ít tốn công chăm sóc, nhưng giá trị kinh tế lại chưa được khai thác đúng mức. “Người dân chủ yếu ngâm rượu để trị đau nhức, một số ít bán cho thương lái với giá rẻ. Tôi nghĩ, tại sao mình không làm ra một sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ loại quả này?”, anh nói.
Năm 2018, anh quyết định rời thành phố, đầu tư gần 700 triệu đồng để chuyển đổi 5ha đất nuôi tôm của gia đình sang trồng 15.000 gốc nhàu. Ban đầu, quyết định này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người thân, bởi ai cũng nghĩ rằng anh đã có một cuộc sống tốt, không nên đánh đổi tất cả để về quê trồng loại cây ít ai quan tâm.
“Người nhà hỏi tôi học hành để thoát ly nông nghiệp, sao giờ lại quay về làm nông dân? Nhưng sau khi cha mất, đất đai bỏ không, tôi càng có động lực để bắt đầu lại”, anh Chương kể lại.
Sau hơn một năm, vườn nhàu phát triển ổn định và bắt đầu cho trái. Anh mở rộng mô hình bằng cách liên kết với nhiều nông hộ trong tỉnh, nâng tổng diện tích trồng lên khoảng 20ha. Trong thời gian chờ nguồn nguyên liệu ổn định, anh tự nghiên cứu chiết xuất nước cốt từ trái nhàu, công đoạn khó nhất là loại bỏ mùi hăng đặc trưng mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng.
Trái sau khi thu hoạch được rửa sạch, sục ozone, sau đó đem ủ trong vòng một năm để lên men tự nhiên. Tiếp đến, chúng được đưa vào máy tách dịch và hạt, pha chế theo từng dòng sản phẩm. Trung bình, 3 đến 4 kg nhàu tươi sẽ cho ra một lít nước cốt nguyên chất.
Nhận được phản hồi tích cực từ người thân và bạn bè, năm 2020, anh thành lập công ty, đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín. Vợ anh cũng quyết định nghỉ việc tại TP HCM để cùng chồng phát triển sản phẩm. Anh tận dụng không gian mạng để quảng bá sản phẩm, đưa lên các sàn thương mại điện tử, tham gia hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại.
![]() |
Anh Khưu Văn Chương sinh năm 1979, quê xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: An Minh |
Sản phẩm nước cốt nhàu của anh đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, được chia thành hai dòng cơ bản và cao cấp với giá bán từ 210.000 đến 380.000 đồng mỗi chai dung tích 375 ml và 750 ml. Mỗi năm, doanh thu từ nước cốt nhàu mang lại cho anh hơn một tỷ đồng.
Anh Chương cho biết điều quan trọng nhất để giữ vững thương hiệu chính là cam kết về chất lượng. Do đó, anh luôn chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ và xây dựng cơ sở sản xuất hiện đại an toàn.
Ông Quách Văn Ấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Cà Mau có khoảng 280.000ha nuôi tôm, riêng diện tích bờ vuông đã hơn 27.000ha, rất phù hợp để phát triển cây nhàu. Anh Chương là một trong những người đi đầu trong việc khai thác hiệu quả giá trị nông sản bản địa, tạo việc làm cho người dân, đồng thời hướng đến xuất khẩu”.
Theo tiến sĩ bác sĩ Phan Minh Đức, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, trái nhàu có tác dụng nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa, lợi tiểu, điều trị táo bón, giảm triệu chứng trào ngược dạ dày và ngăn ngừa viêm loét. Ngoài ra, trái nhàu còn chứa nhiều chất tốt cho tim mạch, cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ đột quỵ, hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Một số nghiên cứu cho thấy nhàu còn giúp tăng khả năng tập trung và cải thiện trí nhớ.
>>'Thần dược của vua chúa' giá hàng triệu đồng/kg được trồng thành công tại Việt Nam