Một cổ phiếu ngân hàng bứt tốc, được khuyến nghị MUA với tiềm năng tăng gần 20%

Sau giai đoạn điều chỉnh kéo dài, cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đang được giới phân tích đánh giá lại nhờ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ổn định, cấu trúc tài sản lành mạnh và chiến lược tái định hình danh mục hiệu quả. Chứng khoán Mirae Asset vừa nâng khuyến nghị cổ phiếu này lên “Tăng tỷ trọng”, với giá mục tiêu 22.400 đồng/cổ phiếu, tương đương mức lợi nhuận kỳ vọng gần 20% so với thị giá ngày 7/7/2025 là 18.700 đồng.

Trong quý I/2025, tổng tài sản của VIB đạt gần 496.000 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cuối năm 2024. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,4%, lên hơn 329.000 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản. Đáng chú ý, các phân khúc tăng trưởng nhanh gồm: cho vay thương mại (+22,8%), dịch vụ tài chính (+27,9%) và bất động sản (+24,9%).

Mirae Asset đánh giá, VIB đang chuyển dịch khỏi mô hình tăng trưởng cũ – vốn phụ thuộc lớn vào bán lẻ và cho vay ô tô – sang định hướng mở rộng tệp khách hàng doanh nghiệp (KHDN). Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mảng doanh nghiệp hơn 40% trong năm 2025, cao hơn nhiều so với mức 19% dự kiến ở mảng cá nhân.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VIB tính đến cuối quý I/2025 là 3,79%, trong khi tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức 7,1%, tăng nhẹ so với quý trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm xuống trên 40%. Dù vậy, phần lớn dư nợ đều có tài sản đảm bảo với tỷ lệ vay trên tài sản an toàn khoảng 50–60%, đồng thời nợ tái cơ cấu giảm còn 0,1% tổng dư nợ.

Đặc biệt, hoạt động thu hồi nợ xấu của VIB được đánh giá hiệu quả, với tỷ lệ thu hồi ước đạt hơn 60%. Ngân hàng đặt mục tiêu thu về 3.000–5.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn 2025–2026, góp phần giảm áp lực trích lập dự phòng và cải thiện biên lợi nhuận.

Để hỗ trợ chiến lược chuyển hướng sang tín dụng ngắn hạn, VIB điều chỉnh cấu trúc huy động, giảm lệ thuộc vào tiền gửi kỳ hạn dài. Việc ra mắt sản phẩm “tài khoản siêu lợi suất – SA” đầu năm 2025 đã giúp tăng tỷ lệ CASA lên 21%, cải thiện đáng kể chi phí vốn.

Biên lãi ròng (NIM) của VIB được kỳ vọng phục hồi lên 4% trong năm 2025, nhờ chiến lược quản lý chi phí huy động linh hoạt và đẩy mạnh các khoản vay có lợi suất cao. Đồng thời, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) vẫn duy trì quanh 76%, thấp hơn ngưỡng trần 85%, cho thấy ngân hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng.

Một cổ phiếu ngân hàng bứt tốc, được khuyến nghị MUA với tiềm năng tăng gần 20%
Nguồn: Mirae Asset

Sau khi giảm 15,9% trong năm 2024, lợi nhuận sau thuế của VIB được Mirae Asset dự phóng đạt 8.424 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 16,9% so với năm trước. Thu nhập lãi thuần (NII) ước tăng 22,3%, còn thu nhập từ phí và dịch vụ kỳ vọng ổn định trở lại sau hai năm giảm sâu.

Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt (+8,2%), trong khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được kỳ vọng giảm từ 35,8% xuống 32,1% trong năm 2025. Tỷ lệ ROE dự kiến đạt 18,3%, tiệm cận mức trung bình ngành, còn EPS đạt 2.786 đồng/cổ phiếu.

Hiện cổ phiếu VIB đang giao dịch với P/B khoảng 1,1 lần, thấp hơn trung bình các ngân hàng niêm yết cùng quy mô. Mirae Asset nhận định mức định giá này chưa phản ánh đúng tiềm năng tăng trưởng và hiệu quả hoạt động cải thiện rõ rệt của VIB.

Đáng chú ý, sau khi Commonwealth Bank of Australia (CBA) hoàn tất thoái vốn cuối năm 2024, vị trí cổ đông chiến lược của VIB đang để ngỏ – mở ra cơ hội thu hút đối tác mới trong thời gian tới. Đây được xem là một yếu tố có thể kích hoạt lại chu kỳ định giá và thu hút dòng vốn dài hạn.

Với mô hình tăng trưởng được tái cấu trúc rõ ràng, khả năng quản trị rủi ro tốt và hiệu quả phục hồi mạnh mẽ, VIB đang lấy lại sức hút trong mắt giới đầu tư. Trong bối cảnh ngành ngân hàng bước vào giai đoạn tăng tốc trở lại, cổ phiếu VIB – với tiềm năng tăng gần 20% từ vùng giá hiện tại – là cái tên đáng cân nhắc trong danh mục nửa cuối năm 2025.

>> Lợi nhuận ngân hàng quý II/2025: MB, Sacombank, BIDV... bứt tốc hai chữ số