Kịch bản về khả năng Mỹ áp thuế đối với Việt Nam và một số kiến nghị

Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ngoài tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng, chính sách tăng thuế của Mỹ còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ biến động nhiều hơn như nhiều quốc gia khác đang gặp, đòi hỏi điều hành chính sách nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
Nhóm chuyên gia
92 bài viết

LTS: Tiếp theo phần I về đánh giá tác động từ chính sách thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước và Việt Nam, phần II này, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tập trung đưa ra kịch bản về khả năng Mỹ áp thuế đối với Việt Nam, đánh giá tác động đối với 5 ngành hàng xuất khẩu chủ lực và kiến nghị.

Kịch bản và khả năng áp thuế đối với Việt Nam

Với việc Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa thứ 8 của Mỹ (tổng kim ngạch hai chiều năm 2024 là 149,7 tỷ USD – chiếm 2,8% tổng giá trị thương mại hàng hóa của Mỹ); đứng thứ 6 về xuất khẩu sang Mỹ (136,6 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ), đứng thứ 3 về xuất siêu sang Mỹ (123,5 tỷ USD) năm 2024. Với quan điểm thương mại quốc tế phải cân bằng và công bằng hơn và quan sát một số quyết sách gần đây của Tổng thống D. Trump, khả năng Việt Nam bị áp thuế có thể phải tính đến.

Nhóm Nghiên cứu đánh giá khả năng Việt Nam có thể bị áp thuế theo 3 kịch bản:

(i) Kịch bản 1 (KB cơ sở, xác suất 50%): Mỹ có thể áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam bằng với mức mà Việt Nam đang áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ (theo chính sách thuế "đối ứng/có đi có lại"). Theo đó, Mỹ có thể tăng thuế bình quân đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam từ mức 2,2% (theo phương pháp tính thuế bình quân gia quyền) lên mức 5,1% (là mức mà Việt Nam đang áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ), theo WTO. Khi đó, số tiền thuế tăng thêm ước tính sẽ khoảng 4 tỷ USD, là một con số không nhỏ, trừ khi Việt Nam chủ động giảm thuế đối ứng cho hàng nhập khẩu từ Mỹ (khi đó, số tiền thuế giảm ước tính sẽ là 0,53 tỷ USD, với giả định nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam năm 2025 tăng khoảng 20%). Thời điểm áp thuế đối ứng thế này (nếu có) sẽ khó có thể diễn ra ngay vì Mỹ cần tính toán với hơn 200 đối tác toàn cầu và rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, thời gian có thể sớm hơn đối với các nước đang áp mức thuế đối ứng cao hơn nhiều so với Mỹ (như Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil…).

(ii) Kịch bản 2 (tiêu cực, xác suất 25%): Mỹ có thể áp mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (thay vì mức 3,3% bình quân giản đơn hay 2,2% bình quân gia quyền như hiện nay), tương tự như nhiều quốc gia khác như Tổng thống Trump đã từng tuyên bố. Khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể giảm khoảng 3-5% năm 2025 xuống mức tăng 15-17% (từ mức tăng khoảng 20% hiện tại sang thị trường Mỹ), các thị trường xuất khẩu khác chưa kịp chuyển hướng được ngay, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm khoảng 1,5-2 điểm % và tăng trưởng GDP có thể giảm khoảng 0,2-0,3 điểm % năm 2025 (năm sau có thể giảm nhiều hơn do thời gian dài hơn – đủ 12 tháng thay vì 9 tháng như năm nay với kịch bản mức thuế 10% này bị tính từ đầu quý 2/2025).

(iii) Kịch bản 3 (tích cực, xác suất 25%): Mỹ không áp thêm thuế hoặc chỉ áp thuế cao hơn đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam (như thép, nhôm…) với mức tương tự như các quốc gia khác. Khi đó, Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa cùng loại của các nước; có thể tận dụng được một số cơ hội như nêu trên để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đề ra.

Ngoài tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng, chính sách tăng thuế này còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ biến động nhiều hơn như nhiều quốc gia khác, đòi hỏi điều hành chính sách nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn.

Tác động tới các ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt

Trong báo cáo này, Nhóm nghiên cứu lựa chọn đánh giá 5 nhóm ngành chính (chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ năm 2024), bao gồm: (i) Điện tử: các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (chiếm 28,6% tổng kim ngạch XK của VN sang Mỹ); (ii) Dệt may, da giầy (chiếm 21,9%); (iii) Gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 7,6%); (iv) Nông - thủy - hải sản (chiếm 3,5%); (v) Thép và nhôm (chiếm 2,7%). Lĩnh vực ô tô và dược phẩm chưa được xem xét đến trong bài viết này do đây chưa phải các ngành xuất khẩu chủ lực và hiện chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch XK của Việt Nam sang Mỹ (XK ô tô và dược phẩm Việt Nam sang Mỹ năm 2024 lần lượt đạt 168,7 triệu USD và 50,2 triệu USD, chiếm lần lượt 0,14% và 0,04% XK của VN sang Mỹ).

(i) Nhóm ngành điện tử: chịu tác động hạn chế do đặc thù quy mô sản xuất và đầu tư lớn, công nghệ cao, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI. Tổng kim ngạch XK các sản phẩm điện tử (máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại các loại, máy ảnh, máy quay phim và các loại linh kiện) năm 2024 sang Mỹ đạt 34,23 tỷ USD (tăng 32,3%), chiếm 28,6% kim ngạch XK sang Mỹ và chiếm 22,1% tổng kim ngạch XK hàng điện tử của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành điện tử Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào DN FDI (Samsung, Intel, LG…) do đây là lĩnh vực công nghệ cao, chi phí đầu tư ban đầu lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao; do đó khả năng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Việt Nam do tác động của thuế quan từ Mỹ là rất khó xảy ra (mặc dù các doanh nghiệp đa quốc gia này có thể điều chỉnh chuỗi cung ứng). Riêng đối với lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, do ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam hiện mới tham gia ở khâu ATP (lắp ráp, kiểm thử, đóng gói) chứ chưa tham gia khâu sản xuất nên chưa bị tác động nhiều bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế mới có thể tác động tiêu cực tới các quyết định đầu tư dự án sản xuất bán dẫn vào Việt Nam trong tương lai.

Với kịch bản cơ sở (tăng thuế thêm 10%), Nhóm nghiên cứu dự báo XK nhóm hàng này sang Mỹ năm 2025 có thể đạt khoảng 41-42 tỷ USD (tăng 15-20%, chỉ bằng một nửa mức tăng năm trước) do còn có các yếu tố hỗ trợ kể trên; theo đó số thuế nhập khẩu phải nộp thêm của ngành này vào khoảng 4,1-4,2 tỷ USD. Theo kịch bản tiêu cực, XK nhóm hàng này dự báo chỉ tăng 10-15%, còn trong kịch bản tích cực, mức tăng trưởng XK có thể đạt mức 20-25%. Tuy nhiên, trong cả 3 kịch bản, do đây là hàng lâu bền, nên khi bị tăng thuế, giá hàng tăng lên, sẽ tác động ngay đến sức cầu (bị giảm), tác động tiêu cực đến xuất khẩu mặt hàng này của các nước (trong đó có Việt Nam).

(ii) Nhóm ngành dệt may, da giầy: chịu tác động mạnh do áp lực cạnh tranh quốc tế cao, khả năng dịch chuyển chuỗi sản xuất dễ dàng hơn và độ nhạy giá cả ở mức cao. Tổng xuất khẩu hàng dệt may - da giầy năm 2024 sang Mỹ đạt 26,23 tỷ USD (tăng 13,3% so với năm trước), chiếm 21,9% kim ngạch XK sang Mỹ và chiếm 40,4% tổng kim ngạch XK dệt may - da giầy của Việt Nam. Tại thị trường Mỹ, hàng dệt may - da giầy Việt Nam cạnh tranh chủ yếu với Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Italy và Indonesia. Hiện tại, ngành này đang đón luồng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và trong dài hạn sẽ chiếm dần thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ những lợi thế cạnh tranh chủ yếu: (i) lợi thế về hệ thống cảng lớn, vị trí địa lý thuận lợi; (ii) khả năng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao; (iii) tốc độ giao hàng nhanh cùng khả năng sản xuất linh hoạt. Tuy nhiên, nếu bị áp thuế quan cao hơn tại thị trường Mỹ (chiếm 40,4% kim ngạch XK toàn ngành), ngành sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi chi phí và hàng rào xuất khẩu tăng lên đáng kể. Ngoài ra, đây là mặt hàng có thể sử dụng lâu dài, có độ nhạy giá cả cao khi giá tăng lên, kinh tế khó khăn /bất định hơn, người tiêu dùng thường có xu hướng tiết kiệm, có thể giảm mua mặt hàng này.

Với kịch bản cơ sở (thuế tăng thêm 10%), Nhóm nghiên cứu dự báo XK của ngành sang Mỹ năm 2025 có thể đạt 28-29 tỷ USD (tương ứng với mức tăng 7-11% so với năm trước) do các yếu tố hỗ trợ kể trên; theo đó số thuế nhập khẩu phải nộp thêm của ngành vào khoảng 2,8-3 tỷ USD. Trong kịch bản tiêu cực, mức tăng trưởng XK có thể chỉ đạt 3-5%, còn trong kịch bản tích cực, mức tăng trưởng XK lên tới 10-13%.

(iii) Nhóm ngành gỗ và sản phẩm gỗ: chịu tác động trung bình do chuỗi cung ứng khá ổn định và nhu cầu tại Mỹ ở mức cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2024 sang Mỹ đạt 9,06 tỷ USD (tăng 24%), chiếm 7,6% kim ngạch XK sang Mỹ và chiếm 54,2% tổng kim ngạch XK ngành. Tại thị trường Mỹ, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cạnh tranh chủ yếu với Canada, Trung Quốc, Brazil và Mêhicô...v.v. Ngành gỗ Việt Nam XK sang Mỹ hiện nay đối mặt với những thách thức như kiểm soát nguồn gỗ hợp pháp, nguy cơ gian lận thương mại, yêu cầu xuất xứ. Nếu bị áp thuế quan tại thị trường Mỹ, khả năng dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam sẽ chỉ ở mức độ trung bình do chuỗi cung ứng tương đối ổn định, nhu cầu tại thị trường Mỹ vẫn còn rất lớn; tuy nhiên áp lực cạnh tranh sẽ ở mức cao từ các đối thủ trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Malaysia (nhất là khi các đối thủ này chịu mức thuế thấp hơn). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm là mặt hàng này cũng là lâu bền, có độ nhạy giá cả khá cao (như dệt may - da giầy), nên khi kinh tế khó khăn/bất định hơn, người tiêu dùng thường có xu hướng tiết kiệm, có thể giảm mua mặt hàng này.

Trong kịch bản cơ sở (thuế tăng thêm 10%), Nhóm nghiên cứu dự báo XK của ngành năm 2025 có thể đạt 10-10,5 tỷ USD (tăng 10-15%) do các yếu tố hỗ trợ kể trên; theo đó số thuế nhập khẩu phải nộp thêm của ngành vào khoảng hơn 1 tỷ USD. Trong kịch bản tiêu cực, mức tăng trưởng XK có thể chỉ đạt 5-10%, còn trong kịch bản tích cực, mức tăng trưởng XK lên tới 15-20%.

(iv) Nhóm ngành nông - thủy - hải sản: ít chịu tác động do đây là nhóm hàng hóa thiết yếu và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch NK hàng hóa của Mỹ. Năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông-thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt 4,16 tỷ USD, chiếm 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN sang thị trường này. Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với Việt Nam và các quốc gia khác, sẽ tạo ra cả cơ hội cũng như thách thức đối với lĩnh vực này.

- Đối với hàng thủy sản: trong quá khứ, Mỹ chưa từng áp thuế đồng bộ lên sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ các nước. Tuy nhiên, nếu Mỹ áp thuế lên ngành thủy sản, mức thuế kỳ vọng không quá cao do giá trị NK thủy sản của Mỹ ở mức thấp (trung bình giai đoạn 2021-2023 đạt 30,7 tỷ USD - chiếm 1% tổng giá trị NK hàng hóa của Mỹ, trong khi giá trị XK thủy sản của Mỹ chỉ chiếm 0,4% tổng giá trị XK hàng hóa của nước này). Theo đó, ngành cá tra sẽ được hưởng lợi nhiều hơn ngành tôm khi mức thuế nhập khẩu áp với Việt Nam kỳ vọng thấp hơn so với mức thuế đối với Trung Quốc. Tại thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với cá rô phi Trung Quốc, nên việc áp thuế cao hơn đối với Trung Quốc, tạo lợi thế cạnh tranh cao hơn cho cá tra Việt Nam.

Trong khi đó, ngành tôm dự kiến không hưởng lợi song cũng ít bị ảnh hưởng tiêu cực nếu bị áp thuế đồng bộ do các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu tôm vào Mỹ chủ yếu là Ấn độ, Ecuador, Indonesia...v.v. Bên cạnh đó, nguồn cung tôm nội địa của Mỹ không đủ đáp ứng nhu cầu nên Mỹ vẫn cần nhập khẩu từ các nước khác. Theo Hiệp hội chế biến tôm Mỹ (ASPA), tổng sản lượng tôm đông lạnh nước ấm năm 2022 của Mỹ là 134 nghìn pound, tương đương 7,4% nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ. Vì vậy, ngành thủy sản Việt Nam kỳ vọng ít chịu tác động, và có thể tận dụng một số cơ hội từ các lệnh áp thuế tại thị trường Mỹ nếu mức áp thuế đối với Trung Quốc cao hơn.

Với các cơ hội và thách thức như trên, Nhóm nghiên cứu dự báo XK thủy sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 có thể đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm trước. Với kịch bản cơ sở, hàng thủy sản Việt Nam vào Mỹ bị áp thuế 10%, số tiền thuế Việt Nam có thể phải chịu thêm đối với mặt hàng này là 0,2 tỷ USD trong năm 2025.

- Đối với hàng nông sản: năm 2024, các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng trưởng tích cực như: hạt điều (1,15 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước), hạt tiêu (0,41 tỷ USD, tăng 85,3%), rau quả (0,36 tỷ USD, tăng 39,7%), cà phê (0,32 tỷ USD, tăng 9,2%)…v.v. Tuy nhiên, các mặt hàng này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị NK hàng hóa của Mỹ (khoảng 1,6% năm 2024). Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu là Mêhicô, Brazil, Ấn độ, Indonesia, Thái Lan…v.v. Nếu Mỹ áp thuế lên hàng nông sản nhập khẩu, kỳ vọng mức thuế nhập khẩu sẽ không quá cao đối với mặt hàng này và có thể ở mức thuế như các nước khác (thấp hơn Mêhicô nếu nước này chịu mức thuế 25%).

Theo Nhóm nghiên cứu, XK hàng nông sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 dự báo có thể đạt 2,7-2,8 tỷ USD, tăng 15-20% so với năm trước (kịch bản cơ sở); khi đó, mức thuế ngành có thể phải chịu thêm là gần 0,28 tỷ USD trong năm 2025.

(v) Nhóm ngành thép và nhôm: dự báo chịu tác động tiêu cực.

- Đối với mặt hàng thép, việc các nước Canada, Mêhicô, Brazil, Hàn Quốc, Đức…bị tăng thuế nhập khẩu thép vào Mỹ từ 0% lên 25% cũng như thép Trung Quốc đang chịu mức thuế 25%, khi đó thép Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phằng với các nước này (thay vì chịu thiệt thòi do thuế cao hơn như trước đây). Tuy nhiê, chịu áp thuế cao hơn khiến doanh nghiệp các nước này có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, làm gia tăng mức độ cạnh tranh xuất khẩu thép của Việt Nam và tại thị trường trong nước (nhất là Trung Quốc). Trong khi đó, việc thép xuất khẩu của Việt Nam có được hưởng lợi từ việc này hay không cần có thời gian và số liệu để đánh giá thêm. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,32 tỷ USD sắt thép các loại sang Mỹ (chiếm khoảng 4% tổng giá trị sản xuất của ngành). Xét riêng từng mảng, sản xuất thép dẹt dự báo chịu tác động tiêu cực hơn mảng thép dài do tỷ trọng xuất khẩu trong tổng lượng sản xuất cao hơn (35,8% so với 17,1% của mảng thép dẹt) trong năm 2024. Mảng thép dẹt hiện nhập một phần thép cuộn nóng HRC từ Trung Quốc về gia công và xuất khẩu, với các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất sang Mỹ lớn, tác động tiêu cực sẽ lớn hơn.

- Đối với mặt hàng nhôm, theo dữ liệu từ Trademap, Mỹ là thị trường xuất khẩu nhôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhôm năm 2023. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 479 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang thị trường Mỹ. Một số mặt hàng xuất khẩu chính gồm các kết cấu bằng nhôm như cột lưới, khung mái, cửa ra vào; nhôm ở dạng thanh, que, hình...v.v. Với quyết định áp thuế mới, nhôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chịu tác động tiêu cực khi thuế bị tăng lên, từ mức 10% lên 25% (dù giá trị tuyệt đối không lớn).

Kịch bản về khả năng Mỹ áp thuế đối với Việt Nam và một số kiến nghị- Ảnh 1.

Một số kiến nghị

Từ những phân tích, đánh giá và dự báo theo các nội dung và kịch bản nêu trên, Nhóm nghiên cứu có một số kiến nghị như sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Một là, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, tăng cường các kênh đối ngoại. Đồng thời, cần kiên định đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm; tận dụng tốt hơn 17 FTA đã ký kết.

Hai là, Việt Nam xem xét thực hiện một số biện pháp nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ theo hướng: (i) trao đổi cởi mở với Mỹ về những biện pháp giúp cân bằng hơn cán cân thương mại; (ii) xem xét chủ động có thể giảm thuế đối ứng như nêu trên và tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu (như chất bán dẫn, khí hóa lỏng tự nhiên - LNG, máy bay, thiết bị hàng không, thiết bị y tế, KH-CN, giáo dục - đào tạo, nông sản…v.v.). Về lâu dài, Việt Nam có thể tính đến phương án đàm phán, ký kết FTA với Mỹ.

Ba là, các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng những nhóm giải pháp đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, nhất là 5 lĩnh vực nêu trên, nhằm hạn chế suy giảm; quan tâm tăng cường nội lực, tính tự chủ, tự cường và kết nối giữa các khối doanh nghiệp (trong nước và FDI) và giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để đảm bảo tăng khả năng thích ứng, phát triển ổn định và bền vững.

Cuối cùng, các bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề cần chủ động làm việc với đối tác phía Mỹ và các nước liên quan; cung cấp thông tin, định hướng, tư vấn và tập hợp kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp; nhanh chóng bàn thảo và có giải pháp phù hợp, kịp thời và hiệu quả đối với những khó khăn, vướng mắc đó...v.v.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp

Thứ nhất, các doanh nghiệp, đặc biệt là DN xuất khẩu sang Mỹ cần chủ động và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu để nắm bắt tình hình và thông tin, diễn biến của thị trường, từ đó có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.

Thứ hai, DN Việt Nam có thể tận dụng cơ hội gia tăng thị phần (dù ít ỏi), đặc biệt là những ngành Việt Nam có thế mạnh như điện tử, dệt may, da giầy, thủy sản, gỗ...., với điều kiện tăng khả năng đáp ứng các điều kiện như nêu dưới đây.

Ba là, doanh nghiệp cần cân nhắc, minh bạch hóa trong việc sử dụng các nguyên liệu bán thành phẩm và thành phẩm từ Trung Quốc cũng như các quốc gia đang bị Mỹ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, phòng vệ thương mại…v.v. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, lưu trữ chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, sản phẩm để minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa, các tiêu chuẩn môi trường và lao động…nhằm vượt qua các rào cản pháp lý và tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng và đối tác tại thị trường xuất khẩu…v.v.

Bốn là, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, tận dụng tốt lợi thế từ các FTA đã ký kết, trong đó hướng tới các thị trường lớn, nhiều tiềm năng như thị trường Halal (với quy mô 2,2 tỷ người), thị trường châu Phi, Nam Mỹ…v.v. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh tuần hoàn nhằm tận dụng nguyên liệu phế thải, giảm chi phí, giảm giá thành để có thể chia sẻ một phần chi phí thuế bị tăng lên cùng với đối tác.

Năm là, nâng cao năng lực quản trị rủi ro như rủi ro lãi suất, tỷ giá, điều tra phòng vệ thương mại… ; tăng cường sử dụng các công cụ phái sinh tài chính nhằm kiểm soát những rủi ro này tốt hơn.

Cuối cùng, cần chủ động, tích cực chuyển đổi "kép" (số và xanh) nhằm vừa theo kịp xu thế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác và người tiêu dùng, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu, tăng khả năng tiếp cận vốn, phát triển bền vững và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.