Giải mã lý do giá vàng liên tiếp phá kỷ lục

Vàng tiếp tục khẳng định vị thế "hầm trú ẩn tài chính an toàn" khi liên tục xô đổ mọi đỉnh cũ trong tuần qua. Vì sao vậy?

Biến động không ngừng, liên tục xô đổ mọi định cũ

Kim loại quý trên thị trường quốc tế tiếp tục được hưởng lợi khi dòng tiền tìm đến như kênh trú ẩn an toàn trước những thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của Mỹ với các nước cũng như tình trạng bất ổn toàn cầu.

Giá vàng tương lai giao tháng 6/2025 trên sàn Comex New York tăng 67,1 USD, tương ứng tăng 2,11% lên mức 3.244,6 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay tăng 209,2 USD/ounce, tương ứng tăng 6,89%.

Trong tuần qua, giá vàng có chuỗi tăng sốc, vượt mọi dự báo của giới chuyên gia. 

Theo các chuyên gia kinh tế, "cú hích" đầu tiên cho giá vàng đến từ các biện pháp thuế quan gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong nỗ lực bảo vệ sản xuất nội địa và thu hẹp thâm hụt thương mại, ông Trump đã áp thuế trả đũa đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu, gây nên làn sóng biến động dữ dội trên thị trường tài chính toàn cầu.

Theo đánh giá của ông Frank Watson - chuyên gia phân tích kim loại quý tại nền tảng giao dịch Kinesis Money, việc kim loại quý không bị áp thuế là một yếu tố thuận lợi lớn. "Vì vàng không được xem là sản phẩm công nghiệp cốt lõi nên tránh được vòng xoáy thuế quan", ông giải thích.

Diễn biến thị trường cho thấy, sau khi vàng đạt đỉnh hồi đầu tháng này ở thời điểm Tổng thống Trump công bố mức thuế quan mới, một làn sóng bán tháo thu hồi vốn trong bối cảnh chứng khoán sụp đổ đã khiến giá vàng quay đầu điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, đến giữa tuần này, khi Tổng thống Trump bất ngờ hoãn áp thuế với hàng chục quốc gia (trừ Trung Quốc), giá vàng lại nhanh chóng hồi phục.

Thêm vào đó, việc đồng USD suy yếu mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng góp phần quan trọng đẩy giá vàng lên cao. Khi đồng bạc xanh mất giá, vàng - vốn được định giá bằng USD - trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế.

Hơn thế nữa, tâm lý là một yếu tố quan trọng khi sự e ngại một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế đang khiến thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Điều này tạo thêm áp lực đối với đồng USD và làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn là một kênh trú ẩn truyền thống trước đây.

Ở một diễn biến khác, theo ông John Reade - chiến lược gia tại Hội đồng Vàng Thế giới, người dân luôn mong muốn sở hữu một tài sản hữu hình mà họ có thể nắm giữ. Dù không phải ai cũng có cơ hội mua vàng thỏi, nhưng trang sức vàng vẫn là lựa chọn phổ biến.

Thực tế lịch sử cho thấy, vàng không bị ăn mòn, không mất giá trị theo thời gian và không cần dựa vào lòng tin với chính phủ hay hệ thống ngân hàng, điều khiến kim loại này trở thành "két sắt" lưu giữ giá trị tối ưu trong mắt giới đầu tư.

Mặt khác, một yếu tố không thể bỏ qua chính là cơn sốt tích trữ vàng từ các ngân hàng trung ương. Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, trong năm 2024, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào hơn 1.000 tấn vàng, năm thứ 3 liên tiếp duy trì mức mua cao kỷ lục.

Bàn về câu chuyện này, chuyên gia Charlie Morris thuộc tổ chức nghiên cứu ByteTree cho biết: "Xu hướng này bắt đầu sau khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine và việc phương Tây tịch thu dự trữ ngoại hối của Nga." Từ đó, nhiều quốc gia bắt đầu xem vàng như một công cụ phòng vệ chiến lược, dùng để ổn định tiền tệ và làm tài sản thế chấp cho các khoản vay.

Ngoài ra, xung đột tại Gaza nối tiếp căng thẳng ở Ukraine cũng làm gia tăng rủi ro địa chính trị toàn cầu, một yếu tố cổ vũ mạnh mẽ cho nhu cầu đầu tư vàng.

Có thể lên 3.300 USD và sau đó là 3.500 USD/ounce

Giải mã lý do giá vàng liên tiếp phá kỷ lục- Ảnh 1.

Theo kết quả khảo sát của Kitco ở Phố Wall, có 16 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó tới 94% ý kiến cho rằng giá vàng sẽ tăng tiếp, không ai nhận định giá vàng giảm và 6% còn lại cho rằng giá vàng đi ngang.

Tương tự, tại cuộc khảo sát trực tuyến ở Main Street, có 275 nhà đầu tư tham gia trả lời trong đó cũng có tới 69% ý kiến kỳ vọng giá vàng sẽ tăng tiếp, chỉ 18% cho rằng giá vàng hạ nhiệt giảm và số còn lại dự báo giá vàng đi ngang.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, sự bất ổn trên thị trường tài chính quốc tế trước biến động trong chính sách thuế quan của Mỹ và các nước, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng và khả năng leo thang; đồng USD suy yếu…đang và sẽ đẩy giá vàng lên mức kỷ lục. Mục tiêu tiếp theo có thể là 3.300 USD và sau đó là 3.500 USD/ounce.

Ở chiều ngược lại, một số dự báo cho rằng giá vàng đã tăng quá nóng, trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đàm phán về mức thuế quan, giá vàng có thể lao dốc./.