Giá dừa tươi và dừa khô tại Việt Nam, Thái Lan và Philippines đồng loạt tăng vọt do biến đổi khí hậu và sâu bệnh khiến nguồn cung giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh, đẩy giá mặt hàng này lên mức cao kỷ lục.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua dừa tươi loại 1 tại vườn đã chạm mốc 180.000–210.000 đồng một chục (12 trái), sau phân loại và vận chuyển, giá bán lẻ có thể lên tới 25.000 đồng/trái. Dừa loại 2 hiện ở mức 140.000–170.000 đồng/chục.
Ông Nguyễn Đình Tùng – CEO Vina T&T – cho biết công ty ông đang mua dừa với giá 200.000–220.000 đồng/chục nhưng vẫn không đủ hàng để xuất khẩu. "Giá dừa tăng nhanh như giá vàng, mua hôm nay mai đã thấy đắt hơn", ông ví von. Hiện doanh nghiệp này xuất khoảng 7 container/tuần, mỗi container chứa khoảng 20.000 trái.
![]() |
Giá dừa tươi và dừa khô tại Việt Nam, Thái Lan và Philippines đồng loạt tăng vọt do biến đổi khí hậu và sâu bệnh khiến nguồn cung giảm nghiêm trọng. Ảnh minh hoạ |
>> Loại quả lọt top 50 thực phẩm tốt nhất mọi thời đại, báo Mỹ 'hết lời khen ngợi': ở Việt Nam cứ ra chợ là thấy, giá lại rẻ
Không chỉ Việt Nam, các quốc gia trồng dừa chủ lực như Philippines, Thái Lan, Sri Lanka cũng chứng kiến sản lượng lao dốc do ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan và dịch sâu bệnh, đẩy giá tăng 50–100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biến đổi khí hậu, sâu bệnh và “cơn khát” từ Trung Quốc – Mỹ đẩy giá tăng vọt
Các yếu tố như El Nino gây hạn hán, La Nina gây mưa trái mùa, bão bất thường tại những vùng trồng dừa trọng điểm đã khiến sản lượng toàn khu vực Đông Nam Á sụt giảm. Dịch sâu đầu đen lan rộng càng khiến năng suất giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ và Trung Quốc tăng cao khiến thị trường trở nên sôi động.
Tại Thái Lan, cuối tháng 4, giá dừa tươi dao động từ 1,45 đến 2,9 USD/kg. Ở Philippines, giá bán buôn hiện đạt 0,4–0,7 USD/kg, còn giá lẻ tại Manila và Quezon lên tới 4,28 USD/kg. Trong bối cảnh đó, dừa Việt nổi lên như một lựa chọn cạnh tranh nhờ chất lượng ổn định và giá hợp lý.
Xuất khẩu dừa Việt tăng tốc, Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam tăng trưởng mạnh. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, trong đó dừa tươi đóng góp 390 triệu USD. Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu dừa lớn thứ 5 thế giới, với 200.000ha diện tích trồng, sản lượng khoảng 2 triệu tấn/năm. Một phần ba diện tích đã đạt chuẩn hữu cơ.
Từ tháng 8/2023, sau khi Mỹ chính thức mở cửa cho dừa Việt Nam, xuất khẩu tăng gấp 11 lần chỉ trong chưa đầy một năm. Hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng 46%. Trong khi đó, Trung Quốc – sau khi ký nghị định thư nhập khẩu chính ngạch từ tháng 8/2024 – đã nhanh chóng trở thành thị trường trọng điểm, với 2,6/4 tỷ trái dừa tiêu thụ mỗi năm là dừa tươi.
Việt Nam hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch nhập khẩu dừa của Trung Quốc, đứng thứ ba trong số các quốc gia cung cấp.
Giá dừa tăng gấp đôi, nông dân vừa mừng vừa lo vì sản lượng giảm
Tại Bến Tre – “thủ phủ” dừa Việt Nam – giá dừa tươi dao động 100.000–130.000 đồng/chục, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sản lượng giảm mạnh do hạn mặn kéo dài. Ông Phạm Văn Hoàng, nông dân huyện Châu Thành, cho biết mỗi đợt thu hoạch trước đây đạt 500 trái, nay chỉ còn 300.
Ông Nguyễn Mạnh Tường – Giám đốc Hợp tác xã Dừa Chợ Gạo (Tiền Giang) – xác nhận giá dừa khô và tươi đều đang ở mức cao, dừa khô đạt trên 170.000 đồng/chục, dừa tươi loại lớn từ 10.000–12.000 đồng/trái.
Tại huyện Tân Phú Đông, ông Dương Tấn Sĩ chia sẻ gia đình vừa bán được dừa khô giá 215.000 đồng/chục 14 trái, cao nhất từ trước đến nay. Dù năng suất giảm, ông vẫn thu về hơn 30 triệu đồng trong một đợt thu hoạch.
![]() |
Dừa Việt Nam có hương vị đặc trưng, dễ bảo quản và phù hợp với thị hiếu quốc tế. Ảnh minh hoạ |
Tại Tiền Giang – địa phương có hơn 21.650ha dừa, giá dừa khô tăng chóng mặt. Tại huyện Chợ Gạo, dừa khô hiện đạt 180.000–200.000 đồng/chục, gấp đôi năm ngoái. Dù bị ảnh hưởng bởi sâu đầu đen, năng suất thấp nhưng giá cao giúp bà con thu được lợi nhuận tốt.
Chị Hồng Thi – chủ một vựa thu mua – cho biết nguồn cung hiện rất khan hiếm, mỗi ngày chỉ gom được khoảng 500 trái, trong khi đơn hàng từ các chợ tăng mạnh do thời tiết nắng nóng kéo dài.
Bến Tre mở rộng vùng trồng, xây dựng thương hiệu dừa quốc gia
Hiện Bến Tre có khoảng 80.000ha trồng dừa, trong đó 20% là dừa xiêm uống nước (gần 16.000ha). Tỉnh đã xây dựng hơn 133 vùng trồng có mã số và 14 doanh nghiệp được cấp mã số đóng gói để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Mỗi năm, sản lượng đạt gần 700.000 tấn, tạo sinh kế cho khoảng 170.000 hộ dân, chiếm 70% dân số toàn tỉnh.
Tỉnh cũng đang phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với diện tích hơn 20.700 ha và liên kết với 8 doanh nghiệp lớn để chế biến, xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc.
Sản phẩm dừa xiêm Bến Tre đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, tạo lợi thế cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định: "Dừa Việt Nam có hương vị đặc trưng, dễ bảo quản và phù hợp với thị hiếu quốc tế. Với xu hướng tiêu dùng hiện nay, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi năm 2025 hoàn toàn có thể đạt mốc 500 triệu USD".
Sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà nhập khẩu quốc tế, cộng với việc Mỹ và Trung Quốc mở cửa, đang tạo đà cho dừa Việt bứt phá mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
>> Loài cá Việt gây sốt tại Mỹ: Mặt hàng 'bình dân' thu về hơn 6 triệu USD chỉ trong 3 tháng