Xuất khẩu sầu riêng giảm hơn 60%, nông dân miền Tây bán đầy lề đường vì vắng thương lái

Trong quý I/2025, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sụt giảm mạnh cả về sản lượng và kim ngạch do thị trường chủ lực Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng. Điều này không chỉ khiến ngành trái cây lo lắng mà còn đẩy nông dân miền Tây vào tình cảnh lao đao khi giá sầu riêng rớt sâu, tiêu thụ chậm ngay tại thị trường nội địa.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2025, Việt Nam xuất khẩu 12.150 tấn sầu riêng, thu về 45,4 triệu USD. Dù tăng gấp đôi so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng vẫn giảm 32% và kim ngạch giảm tới 43,5%.

Tính chung quý I, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 26.860 tấn, tương đương 98,2 triệu USD – giảm 52,7% về lượng và 61,1% về trị giá so với quý I/2024. Điều này khiến sầu riêng tụt xuống vị trí thứ ba trong nhóm trái cây xuất khẩu chủ lực, sau chuối và thanh long.

Xuất khẩu sầu riêng giảm hơn 60%, nông dân miền Tây bán đầy lề đường vì vắng thương lái
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng qua các tháng. Đồ thị: Hoàng Hiệp tổng hợp

Giá xuất khẩu bình quân cũng giảm đáng kể, chỉ đạt 3.655 USD/tấn trong quý I, giảm 17,8% so với cùng kỳ. Riêng tháng 3, giá còn 3.741 USD/tấn, tiếp tục giảm nhẹ so với tháng trước và giảm 17% so với tháng 3/2024.

Trung Quốc giảm nhập, thị phần sầu riêng Việt bị co hẹp nghiêm trọng

Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm là do xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam – đã giảm tới 78,3%, chỉ đạt 49,5 triệu USD trong quý I. Thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam cũng lao dốc từ 90,3% xuống còn 50,5%.

>> Giá sầu riêng 'loạn nhịp' dịp lễ, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm đến 78%

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), không chỉ Việt Nam mà cả Thái Lan cũng ghi nhận mức giảm mạnh khi phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng khắt khe hơn.

Ngoài áp lực từ các quy định mới, cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng ngày càng gay gắt khi xuất hiện thêm các nhà cung cấp mới như Lào, Indonesia và Campuchia.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết, nguyên nhân cụ thể khiến nhiều lô hàng bị trả về là do phát hiện dư lượng chất cấm như cadmium và chất tạo màu vàng O trong sầu riêng Việt Nam.

“Phía Trung Quốc đã phát hiện một số lô có dư lượng chất cấm nên không cho thông quan. Để xử lý tình trạng này cần rà soát lại toàn bộ vùng trồng, nếu đất bị nhiễm cadmium thì sản phẩm từ đó không được phép xuất khẩu”, ông Nguyên nói.

Doanh nghiệp chuyển hướng thị trường, sầu riêng đông lạnh tăng tốc

Trước những khó khăn tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng, đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng khác. Trong đó, Thái Lan – thị trường lớn thứ hai – ghi nhận kim ngạch 25,9 triệu USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Hong Kong tăng vọt 920,4%, đạt 10,7 triệu USD; Đài Loan tăng tới 2.906%, lên 4,3 triệu USD. Các thị trường Bắc Mỹ cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, với Mỹ tăng 35,6% và Canada tăng 90,6%.

Xét về chủng loại, sầu riêng tươi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi xuất khẩu giảm 71,3%, còn 66,12 triệu USD. Trong khi đó, sầu riêng đông lạnh lại tăng mạnh 50,3%, đạt 31,21 triệu USD. Một số sản phẩm chế biến như sầu riêng sấy khô, xay nhuyễn, nước ép... cũng được xuất khẩu nhưng giá trị còn khá nhỏ.

Nội địa trầm lắng: Giá giảm một nửa, nông dân "mang sầu riêng ra lề đường"

Tại thị trường nội địa, thời điểm hiện tại đang vào vụ thu hoạch rộ tại các tỉnh miền Tây, sản lượng dồi dào nhưng sức mua yếu khiến giá sầu riêng giảm sâu.

Nhiều nơi ghi nhận giá bán tại vườn chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg, giảm một nửa so với hơn một tháng trước (60.000–70.000 đồng/kg) và thấp hơn 25.000–30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Ghi nhận dọc tuyến quốc lộ 61C (qua huyện Phong Điền – Cần Thơ và huyện Châu Thành A – Hậu Giang), hàng loạt nhà vườn phải tập kết sầu riêng ra ven đường để bán lẻ do không có thương lái thu mua.

Ông Huỳnh Văn Tiến (xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Nghe nói xuất khẩu đang chậm lại nên giá mới giảm mạnh vậy. Mong rằng thời gian tới, đầu ra xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn để sầu riêng có giá trở lại.”

Xuất khẩu sầu riêng giảm hơn 60%, nông dân miền Tây bán đầy lề đường vì vắng thương lái
Sầu riêng được người dân bày bán la liệt ở lề đường

Diện tích trồng tăng nhanh, thách thức kiểm soát chất lượng

Những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng tại miền Tây tăng nhanh do nhu cầu xuất khẩu cao. Riêng tại Cần Thơ, trong tổng diện tích 26.100 ha cây ăn trái, có tới 6.991 ha là sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Phong Điền – nơi có hơn 4.460 ha được đánh giá cao về chất lượng.

Tại Hậu Giang, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết sầu riêng đang được nông dân ưa chuộng nhờ giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thị trường hiện đang gặp thách thức lớn về kiểm soát chất lượng và khả năng tiêu thụ khi diện tích không ngừng gia tăng.

Ngành chức năng cảnh báo người dân cần chuyển đổi sang canh tác an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng quy định khắt khe của các nước nhập khẩu, nếu muốn giữ được chỗ đứng bền vững trên thị trường toàn cầu.

>> Một giống sầu riêng ở miền Tây rớt giá, nông dân đổ ra quốc lộ tìm lối thoát