Cuộc tái định hình mạnh mẽ thị trường gọi xe Việt: Xanh SM vượt Grab, Be tăng tốc, tân binh lộ diện

Sự rút lui của Gojek mở ra bước ngoặt năm 2024

Năm 2024 đánh dấu giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ của thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt sau sự rút lui của Gojek (Indonesia) vào tháng 9. Theo báo cáo "The Connected Customer" quý III/2024, Gojek rời đi để lại khoảng trống 17% thị phần, tạo cơ hội lớn cho các ứng dụng khác vươn lên.

Cuộc tái định hình mạnh mẽ thị trường gọi xe Việt: Xanh SM vượt Grab, Be tăng tốc, tân binh lộ diện

Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường gọi xe tại Việt Nam được ước tính đạt 1,05 tỷ USD vào năm 2025 và có thể tăng lên 2,56 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm lên tới 19,5%. Đà tăng này được hỗ trợ bởi quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, đô thị hóa mạnh mẽ và sự phổ cập của công nghệ. Hiện Việt Nam có gần 78 triệu người dùng Internet, hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội và 162 triệu kết nối di động, tương đương 164% dân số.

Xanh SM vươn lên dẫn đầu

Trong bối cảnh đó, Xanh SM là hãng taxi điện do Việt Nam phát triển nổi lên như một hiện tượng. Sau khi tăng vốn điều lệ lên 18.000 tỷ đồng, doanh nghiệp này nhanh chóng mở rộng hoạt động, hợp tác với các đơn vị như Be, Taxi G7 và Mai Linh. Theo báo cáo quý I/2024 của Decision Lab, Xanh SM chiếm hơn 32% tỷ lệ thâm nhập thị trường, vươn lên vị trí thứ hai về mức độ yêu thích trong lĩnh vực gọi xe công nghệ.

>>Một tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc chuyển 1 phần sản xuất khỏi Việt Nam

Đến quý I/2025, Xanh SM chính thức vượt mặt Grab, giữ ngôi đầu thị phần taxi tại Việt Nam với 39,85%, theo Mordor Intelligence. Người dùng đánh giá cao các tiêu chí như phương tiện sạch sẽ, tài xế lịch sự, thao tác đặt xe đơn giản và giao diện ứng dụng thân thiện. Đặc biệt, hệ thống giám sát an toàn chủ động (S2S) được triển khai đồng bộ đã góp phần nâng cao độ tin cậy và trải nghiệm người dùng.

Be kiên định với chiến lược siêu ứng dụng

Không chọn hướng đi giống Xanh SM, Be Group tiếp tục phát triển theo mô hình Super App. Đầu năm 2024, Be gọi vốn thành công 30 triệu USD để đầu tư cho hệ sinh thái dịch vụ gồm 12 tiện ích, từ gọi xe, giao hàng đến mua vé, nạp điện thoại.

Chiến lược này mang lại hiệu quả rõ rệt: tổng giá trị hàng hóa (GMV) tăng 60%, số lượng người dùng tăng 50% và Be phục vụ được khoảng 30% dân số đô thị. Người dùng thường xuyên của Be sử dụng trung bình 5 trong số 12 dịch vụ có trên ứng dụng. Be Food ghi nhận hơn 80.000 quán ăn tham gia, doanh thu tăng 15-20% mỗi tháng.

Về mạng lưới tài xế, Be đạt mốc 50.000 người hoạt động trong năm 2024, tăng 30% so với năm trước. Trong đó, hơn 95% tài xế xem việc chạy Be là nguồn thu nhập chính. Năm 2025, Be định hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào ứng dụng nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng. Đồng thời, Be dự kiến ra mắt thêm các dịch vụ mới như beValet (thuê tài xế riêng) và beGiúpviệc (mở rộng tại Hà Nội từ tháng 4/2025).

Cuộc tái định hình mạnh mẽ thị trường gọi xe Việt: Xanh SM vượt Grab, Be tăng tốc, tân binh lộ diện
Grab đang dần mất lợi thế trong một thị trường ngày càng sôi động. Ảnh minh hoạ

Grab điều chỉnh chiến lược giữa sức ép cạnh tranh

Từng là biểu tượng dẫn đầu của thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, Grab đang dần mất lợi thế trong một thị trường ngày càng sôi động. Đặc biệt ở mảng taxi, Grab đã bị Xanh SM vượt mặt trong quý IV/2024.

Trước áp lực cạnh tranh gia tăng, Grab Việt Nam đã thay đổi nhân sự lãnh đạo. Từ năm 2025, ông Mã Tuấn Trọng, Giám đốc thương mại của Grab được bổ nhiệm làm CEO mới. Ông Trọng cho biết, Grab sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và hợp tác với các đối tác thương mại để cùng tăng trưởng bền vững.

TADA và Bolt: Những ẩn số mới

Bên cạnh các ông lớn, thị trường gọi xe công nghệ còn chứng kiến sự hiện diện thầm lặng nhưng đáng chú ý của các tân binh. TADA, ứng dụng đến từ Singapore, gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2019 với mô hình không thu hoa hồng từ tài xế. TADA tạo nguồn thu bằng cách khai thác dữ liệu người dùng và cung cấp cho các doanh nghiệp đối tác.

Dù không nổi bật về thị phần, TADA vẫn duy trì được hoạt động ổn định tại TP.HCM suốt hơn 5 năm. Từ tháng 5/2020, TADA còn mở rộng sang mảng giao hàng với dịch vụ TADA Delivery.

Trong khi đó, Bolt là công ty công nghệ có định giá 8 tỷ USD đang rục rịch chuẩn bị vào thị trường Việt Nam. Đầu năm nay, Bolt tích cực tuyển dụng tại Hà Nội và TP.HCM, đồng thời kêu gọi hợp tác từ đội ngũ tài xế. Bolt hiện đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và từng triển khai dịch vụ tại Thái Lan (2020) và Malaysia (cuối năm 2024).

>>Vietjet dừng bán đồ lễ trên chuyến bay đi Côn Đảo vì lý do bất ngờ